Update 03.01.2016: Đọc thêm: - Cities in numbers: how patterns of urban growth change the world (The Guardian 23 Nov 2015) - Forget "developing" poor countries, it's time to "de-develop" rich countries (The Guardian 23 Sept 2015) Bài thuyết trình bằng tiếng Anh đầu tiên của tôi của môn Public Culture là về toàn cầu hoá – di dân và nguồn lao động. Tôi cùng Nihan, cô bạn cùng lớp, quyết định cùng nhau làm một đoạn phim tài liệu ngắn phỏng vấn cặp vợ chồng người Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sở hữu một tiệm ăn uống đồ Thổ ở gần trường. Một đoạn video ngắn ban đầu lẽ ra chỉ định sử dụng làm phần mào đầu sau đó đã trở thành tài liệu thuyết trình chính. Câu chuyện của hai vợ chồng bạn Thổ ấy thật tình chẳng còn là chuyện lạ, ở bất kỳ đâu. Có điểm gì đó dường như là mẫu số chung của tất cả những người di dân tìm việc làm.
Học xong cấp 3, nhóm học sinh nông thôn có học lực khá khăn gói lên thành phố theo học đại học, tốt nghiệp và cố gắng trụ lại làm việc, lập gia đình, sinh con mở ra một thế hệ thị dân mới. Nhóm dân cư trình độ dưới phổ thông cũng ào ạt lên bổ sung vào nguồn nhân lực lấy số lượng và sức lực bù cho chất lượng và giá cả. Họ đều cố gắng trụ lại nơi kẻ chợ càng lâu càng tốt. Ngược lại, ở các vùng vốn dĩ là nông thôn, các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và cả liên danh cũng bắt đầu chuyển nhà máy, xưởng sản xuất về những khu công nghiệp vốn trước đó là đồng ruộng của nông dân. Đời sống mới của những người dân nơi đây bắt đầu thay đổi xoay quanh chúng. Nhiều người bỏ ruộng vườn, bỏ canh tác, chạy theo mở quán nước chè, cơm bụi, thậm chí cả mại dâm, … phục vụ cho công nhân viên các phân xưởng. Tất cả những chuyến đi – di rời đó, chung quy thuộc về quá trình Urbanization – Đô thị hoá. Đó là với nhóm dân cư nông thôn, còn dân cư thành thị, họ có di dân, nhưng hiếm có ai di dân về nông thôn. Họ lựa chọn di dân sang một cấp bậc đô thị mới, đô thị của các nước phát triển. Và chu trình tương tự như trên lại lặp lại. Chúng tôi sau khi tốt nghiệp cấp 3 hoặc đại học được cha mẹ gửi sang nước ngoài học tập. Có người đi để về, có người đi để ở lại. Để có được việc làm ở một xã hội có trình độ và mức phát triển hơn môi trường ở quê nhà, họ buộc phải nỗ lực cố gắng gấp nhiều lần so với người dân bản địa, với những bạn đồng trang lứa. Bởi vậy, cùng là ở lại, có người đạt được vị trí lãnh đạo, có những người dù tốt nghiệp đại học ở London cả đời dính chặt với việc bán hàng siêu thị từ sáng sớm hoặc tới tối đêm. Và ngược lại, khi chúng ta mê mải ngược xuôi sang nước bạn, họ với những công nghệ tân tiến cũng tới để đầu tư, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, thị trường mới mở nhiều cầu thiếu cung [1]. Theo tờ tạp chí kinh tế quốc tế của Mỹ , Trung Quốc hiện là công xưởng sản xuất ngành hàng may mặc lớn nhất của Mỹ [2]. Vài chục phút trước, tôi vừa xem xong bộ phim tài liệu When China met Africa, ghi lại những project lớn, nhỏ khác nhau ở tầm vi mô – người Trung Quốc làm ông trùm trang trại Phi châu, hoặc vĩ mô – công ty Trung Quốc nhận thầu làm đường cho chính phủ Zambia. Và Việt Nam, giống như Trung Quốc, trong khi cũng đang cùng với các nước Nam Á / Đông Nam Á khác làm xưởng sản xuất cho các nước phương Tây, thì đã bắt đầu đưa ‘chuyên gia’ sang Caribe để cung cấp sóng điện thoại di động cho các nước sắp ‘đang phát triển’ [3]. Quá trình globalization – toàn cầu hoá, tôi có cảm giác nó giống như một cuộc đại phức hợp của đô thị hoá, từ nông thôn lên thành thị, từ thành thị lên thành thị bậc cao, từ cao lên thành cao hơn nữa … Và, tôi tự hỏi, sau khi đã đô thị hoá và vắt kiệt cả thiên nhiên và nguồn nhân lực của trái đất này, trong trường hợp được một loại hình đô thị bậc cao ngoài hành tinh khác tìm thấy, chúng ta có tiến tới một tiến trình mới hay không? --- * Hai từ urbanization và globalization ở trong post này được sử dụng với ý nghĩa đại chúng nhất, nôm na như một hiện tượng di dân – kinh tế. Trên thực tế, ngoài nguồn gốc kinh tế, hai khái niệm này còn mang trong nó màu sắc văn-xã (sociocultural) như một hệ quả không kiểm soát được của việc đô thị hoá, toàn cầu hoá kinh tế. [1] Nhu cầu ở đây được hiểu là nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng còn bị hạn chế sản xuất trong nước về mặt số lượng hoặc chất lượng hoặc thương hiệu. Có thể cùng một dòng sản phẩm, nhưng các doanh nghiệp trong nước làm ra không bán được nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài tung ra thị trường lại được đón nhận nhiệt tình, ngành hàng may mặc hiện nay là một ví dụ điển hình ở Việt Nam. [2] Gereffi, Gary (1999). International trade and industrial updrading in the apparel commodity chain. Journal of International Economics 48, p. 37-70. [3] Viettel hiện đang phát triển mạng lưới tại Haiti và nhiều nước chưa phát triển khác. http://www.viettel.com.vn/blog-45-0-1-1844-CHOANG-VI-DAI-GIA-VIETTEL-TIEU-TIEN-O-HAITI.html |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|