INTRO Tên thật của Gào là Vũ Phương Thanh. Tuy nhiên, tôi xin được nhắc tới Vũ Phương Thanh với bút danh Gào, bởi tôi là người không quen biết Thanh, tất cả những ý niệm về cô tôi chỉ biết được qua những nguồn nhân xưng là Gào như sau: - Facebook cá nhân - Fanpage - Bạn bè của Gào mà tình cờ cũng là bạn tôi (nếu sau những dòng này họ còn muốn coi tôi là bạn) - Một vài người ghét Gào mà tình cờ lại chia sẻ với tôi những trường hợp họ gặp phải khi giao tiếp với Gào - Một vài người không yêu, không ghét nhưng có biết / gặp chút xíu Gào Với một người không quen không biết không yêu không ghét thì hà cớ gì mà tôi lại phải ngồi đây nói luyên thuyên về bạn ấy để làm gì? Xin nói luôn rằng tôi không có ý định nói xấu gì Gào. Gào được nhắc tới ở đây như một case study điển hình về người nổi tiếng và phản ứng của người hâm mộ trẻ tuổi. Gào được một số lượng lớn phương tiện truyền thông đại chúng gọi là nhà văn, bạn có fanpage với 446,645 người like đồng thời xuất hiện nhiều lần trên báo trả lời phỏng vấn về các ấn phẩm xuất bản của mình cũng như một số về hành vi – lối sống. Với những giá trị này, tôi coi bạn Gào là người nổi tiếng. Thêm vào đó, bạn Gào là một trong những người nổi tiếng đặc biệt có ảnh hưởng tới nhóm đối tượng trong xã hội đô thị Việt Nam mà tôi quan tâm: cộng đồng người Việt trẻ có độ tuổi trung bình trải từ tầm em gái tôi (14 tuổi) đến các chị lớn mới lập gia đình (khoảng 25). Người đầu tiên trong đời hướng dẫn tôi thực hiện một nghiên cứu khoa học là cô Nguyễn Thu Giang có nói với tôi đại ý rằng khi em làm nghiên cứu, quan trọng nhất là phải xuất phát từ đây – vừa nói cô vừa đặt nắm tay lên ngực trái, ám chỉ vào tim. Cho dù những gì tôi đang viết đây không thể nói là làm nghiên cứu khoa học, nhưng tôi chắc chắn là mình làm xuất phát hoàn toàn từ trái tim. Cách đây một thời gian, tôi ấn nút unlike fanpage Gào để không phải nhìn thấy những câu chữ làm tôi nhăn trán, nghẹt tim hiện trên trang chủ facebook nữa. Chiều qua, khi đi tìm thông tin về tiệc giao thừa cuối năm ở trường UCL, google trả về tôi kết quả đầu tiên là post của bạn ấy: “Có bạn nào đi party cuối năm của UCL ở London tối nay không? Cho mình giao lưu tí :”>. Mình cũng mua vé xí xớn đi, nhưng chưa đi bao giờ và cũng chẳng quen ai. Ngại lắm :”>”. Gào đang ở London! Lẽ ra tôi phải nhắm mắt quay đi như lần unlike nọ, nhưng không, tôi lại click vào đọc thêm các post khác, và trăm nghìn lượt comment khác của các fan (và cả antifan) bạn ấy. Tôi lại nhăn trán, tôi lại nghẹt tim, không phải bởi Gào, mà bởi không gian ảo bạn ấy tạo ra và duy trì đang kéo theo những sự kết nối, giao tiếp, phản ứng của hàng nghìn người trên đó mà tôi đoán rằng chẳng ai có thể điều tiết được, nhất là bạn Gào – Admin của fanpage. VỀ BẠN GÀO C. Rojek trong cuốn Celebrity (2001:17) đề cập tới người nổi tiếng trên ba phương diện: ascribed – người sinh ra đã sẵn là nổi tiếng (Hoàng tử William, Paris Hilton, … ), achieved – người nổi tiếng nhờ tài năng (ca sỹ, vận động viên, nhà lãnh đạo, ..) và attributed – những người nổi tiếng nhờ tham gia vào truyền hình thực tế. Bạn Gào, tôi tin rằng được liệt vào nhóm Achieved – những người nổi tiếng bằng năng lực của bản thân. Dưới sự điều tiết của truyền thông, nhóm người nổi tiếng này thông thường trải qua ba giai đoạn: người bình thường – quá trình chuyển hoá giữa – người đặc biệt (ordinary – media ritualization – extraordinary). Một đặc trưng căn bản của người nổi tiếng là được công chúng cùng giới truyền thông quan tâm tới mọi mặt của đời sống. Người bình thường muốn lên báo nhất thiết phải có một hành động xuất chúng. Còn người nổi tiếng, họ chỉ cần húng hắng ho vài tiếng, rất có thể sáng hôm sau đã được lên báo với tít bài ốm đau rồi. Những người nổi tiếng, hay nói đúng hơn là họ và những thành tố khác cấu thành nên họ đang chơi đùa với chúng ta ở ranh giới mong manh đó, giữa bình thường và bất thường, giữa ordinary và extra-ordinary. Bạn Gào, phải nói rằng đã thành công trong việc tự tạo dựng nên một môi trường đặc biệt dành cho mình. Là người từng giữ vị trí PR Manager trong một công ty hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật – giải trí, Gào có lẽ không gặp khó khăn nhiều trong lĩnh vực ‘truyền thông cá nhân’. Fanpage của Gào trên facebook thực sự là một môi trường truyền thông – quảng cáo – và cả bán hàng hiệu quả. Bạn ấy không bán sách trên fanpage, tất nhiên. Tuy nhiên, bạn Gào đang ‘bán mình’ trên đó. Giống như những người nổi tiếng khác, Gào đang ‘bán’ cuộc sống cá nhân của mình trên facebook. Những tấm ảnh chụp ‘tự sướng’, những chuyến đi cả công tác, giải trí và thăm người yêu, những bức hình đôi khi không quần hoặc ít áo. Gào ‘bán’ những hình ảnh trong ngôi nhà của bạn ấy, những góc riêng tư trong nhà người yêu bạn ấy. Gào ‘bán’ những câu triết lý về cuộc đời, về các mối quan hệ của mình. Không phải động từ ‘bán’ nào cũng mang màu sắc tiền bạc, cho dù hầu hết là thế. Không phải hành động ‘bán mình’ nào cũng mang nghĩa thể xác tình dục đơn thuần. Bằng sự trao đổi đó, cái Gào nhận lại được là 446,645 người ấn like trên fanpage, lượng độc giả biết đến mình đủ lớn để bán sách và mở quán cà phê, lượng người yêu mến đủ nhiều để thực hiện những dự án xã hội, từ thiện mà cô tham gia, sự nổi tiếng đủ vừa để tiếp cận được thêm với những vị trí công việc ổn định khác. Gào, đặc biệt hơn những người nổi tiếng phổ biến khác – là sản phẩm triệt để của vòng xoáy truyền thông đại chúng, tự điều tiết hình ảnh của mình bằng fanpage trên facebook. Tuy nhiên, giống như nhiều người trẻ khác, Gào không tránh khỏi việc ‘phơi sáng’ quá đà trên không gian ảo của internet. Fanpage của bạn ấy không chỉ là nơi giao tiếp với người hâm mộ như chức năng ban đầu của nó, fanpage của Gào mang đúng nghĩa là một trang nhật ký cá nhân được ‘trưng bày’ ra với công chúng. Như đã nói, nội dung fanpage của Gào được cấu tạo bởi: hình ảnh cá nhân, triết lý cá nhân, câu chuyện đời thường cá nhân và một số chia sẻ sự kiện cộng đồng mà Gào tham gia. Đặc biệt trong thời gian trở lại đây, sau khi đạt được những thành công nhất định, tôi có cảm giác như những hình ảnh của Gào bắt đầu mang nhiều màu sắc vật chất hơn, ví dụ như post ảnh đi mua sắm hàng hiệu, ảnh chỗ ở, ảnh chụp cơ thể, … Tôi không quen biết Gào, cũng như không có ý niệm gì về chiến lược phát triển hình ảnh của bạn ấy. Có thể việc ‘phơi sáng’ kia cũng là một phần trong chiến lược đó, cũng có thể đó chỉ là bản năng chia sẻ mọi điều của một cô gái 26 tuổi, hoặc cũng có thể chẳng là gì ngoài một sự ham thích được nổi tiếng, được quan tâm. Dù là với mục đích gì, thì đó là việc của Gào, cái tôi quan tâm, và tôi mong mọi người cũng quan tâm, là tác động của nó đối với những người xung quanh tôi, hầu hết là trẻ tuổi. VỀ FAN / ANTI-FAN CỦA BẠN GÀO
Những người nổi tiếng có vai trò lớn trong việc kiến tạo xã hội, đặc biệt trong môi trường đô thị hiện đại, nơi các cá nhân tìm thấy điểm chung trong các câu chuyện cóp nhặt trên những phương tiện truyền thông đại chúng, qua những sự nổi tiếng và tai tiếng của giới ngôi sao. Ngoài nhu cầu giao tiếp đó, những công dân đô thị còn đặc biệt có nhu cầu định vị vị trí xã hội của bản thân thông qua các giá trị của người nổi tiếng. Vì sao khát vọng nổi tiếng lại trở nên quá phổ biến trong cộng đồng giới trẻ đến vậy? Hãy nghĩ tới những hotgirl tự phong, hay những hotgirl phong trào mặc váy dạ hội đi khai trương KFC, … Vì sao có quá nhiều người trong chúng ta lại tự đánh giá bản thân dựa trên những giá trị của người nổi tiếng? Hãy nghĩ tới con em chúng ta đang ngày ngày trở thành các mẫu rập khuôn cùng một lối trang điểm kích mí, chu môi như các hot girl tự phong, cùng một phong cách gào thét hét hò về mọi điều dù là việc riêng tư nhất như việc đến ngày hành kinh mỗi tháng. ‘Celebrity = Impact on public conciousness’ (Rojek 2001:10) Rojek nhắc tới công thức trên với một sự cay đắng không giấu giếm và mô tả thêm rằng nó là cơn nghiện người nổi tiếng của công chúng truyền thông. Các doanh nghiệp không thừa tiền để thuê Hồ Ngọc Hà làm đại diện hình ảnh, họ cũng không thừa tiền để tặng cho Tăng Thanh Hà xe Audi mới nhất để đi. Trong mọi hoạt động doanh nghiệp, mọi chi tiết đều được tính toán sao cho đạt hiệu quả tốt nhất, đặc biệt trong khâu marketing cùng hiệu quả truyền thông – tiếp thị – bán hàng. Ở đây, chúng ta khó có thể đổ lỗi cho ai, người nổi tiếng (bạn Gào) hay công chúng (fan/anti-fan) bởi suy cho cùng, họ đều không được trang bị kiến thức để ý thức được hệ quả những việc mà mình đang làm. Quay trở lại với nhóm người hâm mộ và ‘ghét’ bạn Gào. Dựa trên việc quan sát thái độ qua các comment của họ trên facebook, tôi mạn phép tự chia họ làm ba trường phái điển hình như sau (còn những mẫu rập khuôn khác tôi không nhắc đến ở đây như những người quan tâm tới nội dung triết lý Gào post, hoặc những người biết nhưng không muốn quan tâm làm gì cho mệt, hoặc những người hiểu quá rõ hiện tượng này và đứng ngoài vòng thông tin, …) : - Một là những người yêu Gào, thần tượng Gào vô điều kiện, nghĩa là ấn like mọi thứ, comment tích cực với mọi nội dung / hình ảnh mà Gào đưa lên. Ví dụ như: ‘Chị càng ngày càng xinh chị ah’, ‘Chị của em giỏi sẵn rồi, chị sẽ đạt được ước mơ sớm thôi’ (ước mơ được nhắc tới ở đây là trở thành một nữ nhà văn lớn có ảnh hưởng tới tầm nhân loại), … Đây là nhóm fan có năng lực phê phán thấp nhất, thẩm thấu mọi điều và thần thánh hoá thần tượng tới mức ngu ngốc. - Hai là những người đôi khi có những phút lùi lại, suy nghĩ và bày tỏ ý kiến bản thân bằng những câu chữ sợ đụng chạm đầy yếu ớt như: ‘Chị ơi sao chị lại mặc như thế này ☹’, ‘Trời ơi chị Gào sống Tây quá ☹’ (comment dưới bức ảnh Gào hôn bạn trai), … Nhóm fan này có ý thức rõ ràng hơn một chút xíu với quá trình ‘tự vấn’ xem thần tượng mình có đang nói đúng không, nhưng phản ứng rất yếu ớt, bởi không mấy tự tin vào việc khẳng định quan điểm của mình. - Ba là những người đặc biệt dị ứng với Gào. Một phần lớn trong số họ mới được hình thành sau cuốn sách Northumbia Gào quảng bá cho trường ĐH Northumbia, UK. và những câu chuyện Gào post lên facebook mà hầu hết du học sinh đang theo học tại Anh Quốc cho là bịa đặt. Dựa trên những quan sát mang tính cá nhân, đa phần lượng người thường xuyên comment trên facebook cô là nhóm thứ nhất, bởi hầu hết những comment tiêu cực đều đã bị Gào xoá, block đi. Có thể nói Gào là một trong những người nổi tiếng có ảnh hưởng nhiều tới công chúng trẻ, theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Tích cực ở điểm con đường Gào đi lên từ một hoàn cảnh ít thuận lợi trở thành một cô gái thành công trong nhiều lĩnh vực vô hình chung trở thành một tấm gương tốt cho giới trẻ noi theo. Tiêu cực ở điểm Gào dường như chưa thực sự ý thức được ‘chức năng’ đó của cô thông qua sự ‘phơi sáng’ quá đà về đời sống cá nhân khiến những cá nhân trẻ tuổi đang còn lỏng lẻo và chưa rõ ràng về nhân cách tưởng lầm / ảo tưởng về nhiều giá trị của cuộc sống. Khó có thể nói rằng đấy là Quyền của bạn ấy, thân ai nấy lo. Nếu tôi và bạn nói thế, không ai có quyền phản biện, bởi chúng ta không nổi tiếng, chúng ta không tự tạo fanpage cho mình và thành công rất nhiều nhờ lượng fan hùng hậu đó. Chúng ta chỉ có trách nhiệm với gia đình, bạn bè, và với xã hội ở tầm cá nhân. Bạn Gào, là một người nổi tiếng, và ý thức trở thành một người nổi tiếng, có trách nhiệm của bạn ở tầm đại chúng. Nói một cách khác, Gào gặt hái được thành công nhờ lượng người ủng hộ hùng hậu, thì ngược lại, Gào cũng là người có trách nhiệm với nhóm công chúng quan trọng đó. Trong một câu chuyện đêm khuya, tôi được biết sau khi đọc post của Gào về Kinh Phật, bạn tôi cũng ngày ngày niệm Phật và tự thấy rằng nó có hiệu quả tốt với mình. Tôi chợt nghĩ, nếu đó không phải niệm Phật, mà là một điều gì đó khác tiêu cực, ai dám chắc các bạn trẻ tuổi đang trong thời kỳ hình thành nhân cách không làm gì dại dột. KẾT LUẬN Nói một cách khách quan, bạn Gào là một cô gái trẻ thành công trên con đường mà bạn ấy lựa chọn. Bỏ Hà Nội nơi có đầy đủ hỗ trợ về gia đình, Gào vào Nam lập nghiệp và với không một tấm bằng đại học trên tay, cô vẫn đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Nhìn vào những nội dung được ‘phơi sáng’ trên fanpage của Gào, hình ảnh bạn ấy được thể hiện như một sự tổng hoà của một cô gái vật chất + cô gái thông minh + cô gái ấm áp vị tha giàu tình cảm. Như một người chị của tôi vẫn nói: ‘Thôi để em ấy sống đúng tuổi của mình’. Tôi đồng ý vậy, không chỉ là đúng tuổi, mà còn là đúng với môi trường xung quanh, với những giá trị hình thành nên con người của họ. Tuy nhiên, thế không có nghĩa rằng chúng ta không cố gắng hoàn thiện bản thân khi có cơ hội, đặc biệt khi ta là người có nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng. Đó là nhìn về phía người nổi tiếng, cụ thể trong trường hợp này là bạn Gào. Còn với công chúng, sẽ là thiếu sót nếu tôi không nhắc tới vai trò của giáo dục ở đây. Michel Foucault từng viết ‘Knowledge is not made for understanding; it is made for cutting’ (1977:88). Việc tiếp nhận tri thức không phải đơn thuần chỉ để hiểu vấn đề, Tri thức cho chúng ta một quyền lực được lựa chọn xem mình sẽ tiếp nhận cái gì, và bỏ qua cái gì trong hỗn mang thông tin của xã hội hiện đại. Mọi người sẽ vẫn cứ gào lên trên facebook rằng Kênh 14 thật nhảm nhí, Gào thật ngông cuồng, những kẻ đang xếp hàng chờ uống Starbucks kia thật nông cạn. Và vì mọi người không phải người nổi tiếng như Kênh 14, hay Gào, hay Starbucks, tôi thành thật nghĩ rằng những lời kêu ca ấy sẽ chỉ kiếm được vài – vài chục lượt like của bạn bè. Nếu việc giáo dục không thực hiện được đúng chức năng của nó, là giáo dục chúng ta – con cháu chúng ta có một tư duy phê phán về những điều mắt thấy – tai nghe thì vĩnh viễn, cộng đồng xung quanh chúng ta sẽ mãi chỉ là những người hay ‘gào’, hay ‘thét’, ngoài ra không có chức năng xã hội tích cực nào. Còn, việc làm sao để giáo dục thực hiện được chức năng của nó, trong năng lực hạn chế của mình, tôi xin được im lặng không ‘gào thét’. P.S: Đây không phải lần đầu tiên tôi viết về Gào. Cách đây một vài năm, khi tôi ham ‘gào thét’ hơn bây giờ, tôi từng viết một bài có nhắc tới Gào trên báo 2!. Nhờ bài viết này, tôi được vinh dự được bạn Gào cùng nhiều người gọi là ‘con chó’ – những dòng ấy, không hiểu sao sau này không còn thấy public trên fanpage của Gào nữa. Hồi đó, sau khi bài viết được xuất bản, tôi thấy khá hối hận bởi mình viết kiểu quy chụp nhiều hơn là phê phán của mình. Suy cho cùng, vào thời điểm ấy, tôi còn là một con bé con mới lớn thích đao to búa lớn về những điều mình không hiểu. Trên phương diện cá nhân, tôi không có cảm xúc tiêu cực gì về việc ‘được’ gọi là ‘con chó’, thật tình lúc bấy giờ tôi đã phì cười vì vui. Còn bây giờ, tôi vẫn cho rằng bạn Gào là một bạn gái giỏi giang, ngang bướng và bản năng. Chỉ có điều, tôi không bao giờ có thể like lại fanpage của bạn ấy được nữa, vì nó làm tôi đau đến tận tim, bởi những lý do tôi đã đề cập tới ở trên. ________________ Tài liệu tham khảo Foucault, M. (1977). Discipline and Punish: The birth of the Prison. New York: Random House Rojek , C. (2001). Celebrity. London: Reaktion iPARENTS[1] – Hay là chuyện tự hào con chưa thạo nói đã thạo iPad nhất nhà Trong những cái tên ăn theo iPhone, iPad, iTunes, … của Steve Job, tôi nghĩ cái nguy ngại nhất là iPARENTS. Những thứ như iSing, iShop, iShare, … thật tình cũng chỉ là vấn đề của một số doanh nghiệp ngại nghĩ. Còn iParents có lẽ là vấn đề lớn, xứng đáng được đem ra làm đề tài nghiên cứu xã hội học về hành vi tiêu dùng của cha mẹ và tác động giáo dục tới con cái. Ở đô thị Việt Nam hiện nay, hiếm có gia đình trẻ nào không có ít nhất một chiếc iPhone hay iPad. Nói đến gia đình trẻ là tôi đang nói đến nhóm thanh niên mới lên chức cha mẹ được vài năm, bởi iPad cũng mới chỉ được tung ra thị trường từ cách đây chưa đầy 3 năm (tháng 4/2010). Họ đa số nằm trong độ tuổi 25-35, thuộc tầng lớp trung cao cấp có thu nhập ổn định, có con nằm trong nhóm tuổi đang theo học mẫu giáo – tiểu học. Đặc điểm chung của các iParents là các con của họ đều thường xuyên được cho / đòi được chơi iPad của cha mẹ. Từ đây, iParents được chia làm hai trường phái. Trường phái thứ nhất là những ông bố bà mẹ dù không thích cho con chơi iPad lắm nhưng cũng tặc lưỡi đồng ý vì như thế thì đỡ phải trông con. Như đã nói ở trên, bởi những bậc cha mẹ này đều đang ở độ tuổi giàu năng lượng chơi và năng suất lao động, họ cần có những khoảng thời gian được ở một mình để tập trung vào các mối quan tâm khác. Buổi tối, sau một ngày mệt lả làm việc, dọn dẹp nhà cửa thì việc chơi với con đôi khi cũng trở thành cực hình. Thay vì trò chuyện, đùa vui với con, họ để con chơi đùa với các nhân vật trò chơi hoặc nhân vật hoạt hình đóng khung trong màn hình iPad. Trường phái thứ hai là những ông bố bà mẹ sính ‘apple’. Nói vậy không phải vì họ thích ăn táo, nếu được như vậy thì thật tuyệt vời bởi táo là thực phẩm vàng cực kỳ tốt cho sức khoẻ. Thực ra, họ sính các sản phẩm chạm, lướt, cảm ứng của Apple như iPhone, iPad. Bởi vậy, đứa con sinh ra khi cầm tới các món đồ chơi ấy, tôi giả thuyết rằng họ bắt đầu có ý nghĩ “con hơn cha là nhà có phúc” và tiếp tục khuyến khích, thường xuyên cho con “giết thời gian” bằng iPad. Trên thực tế, động cơ của hai trường phái trên thường xuyên cộng hưởng với nhau, các iParents vừa muốn con tự chơi không phụ thuộc vào mình, vừa thấy tự hào vì con mình chưa biết đọc, nói chưa sõi tiếng Việt đã có thể dùng thông thạo chiếc iPad toàn tiếng Anh. Ngay cả khi dành thời gian chơi với con cái, họ cũng cùng con giải trí (nghe nhạc, xem hoạt hình), dạy con (đố vui, thử trí thông minh) bằng iPad. Có thể nói, họ - một thế hệ “nghiện” iPhone/iPad đang sản sinh, nuôi dưỡng, cho ra đời một thế hệ nhỏ tuổi cách xa cả hơn hai thập kỷ, cũng nghiện iPad từ khi còn chưa đủ tuổi tới trường. Tôi nhìn xung quanh, bạn bè tôi, anh chị em tôi, và cả tôi ngày ngày giờ giờ phút phút mắt nhìn màn hình, tai đeo tai nghe, tay chấm chấm, kéo thả và nghĩ về thế hệ tương lai. Chúng tôi mới được tiếp cận với nó trong 2-3 năm mà đã phụ thuộc vô số vào thiết bị điện tử “thông minh” này, vậy thì những đứa trẻ được chúng tôi sinh ra nhưng lại được chiếc iPad “giáo dục”, sẽ nghiện nó tới cỡ nào?! Steve Biddulph, một nhà tâm lý học trẻ em – tác giả cuốn Raising Boys and Raising Girls nói: “Có một điều chúng ta nên biết, đó là màn hình thông thường gây ảnh hưởng tới khả năng thị giác và nhận thức của trẻ bởi khi liên tục chỉ nhìn vào màn hình phẳng, cơ thể các em sẽ phát triển lệch trong những năm đầu đời, não lớn lên trong khi thân thể lại không được phát triển tương ứng”[2]. Và các phụ huynh thế hệ iParents, đồng thời với việc đầu độc chính con mình bằng màn hình cảm ứng các cỡ, cũng nhốt con mình trong nhà để tâm hồn chúng gói gọn trong thế giới tưởng tượng nhiều siêu nhân và các bạn nhân vật hoạt hình.
… "Này, bố mẹ tớ không có Ip 4 nữa rồi, bố mẹ tớ mua Ip 5" - "Ừ, bố mẹ tớ còn có Ip 100 cơ" "cậu chẳng biết gì cả, làm gì có đến Ip 100, mới có đến Ip 10 thôi, cậu đúng là dốt ý" - … Ngày hôm qua, cô bạn gái thân thiết của tôi post đoạn hội thoại trên của các em bé 4 tuổi lên facebook. Chính đoạn hội thoại này là điều thôi thúc tôi viết những dòng này. Tôi thích quan sát và lắng nghe trẻ em. Không chỉ bởi chúng đáng yêu, hồn nhiên mà còn bởi chúng giúp tôi hiểu ra vô số thứ. Xã hội người lớn tiêu dùng dựa trên những giá trị ảo tượng trưng cho lối sống sành điệu, cho vị trí – tầng lớp – đẳng cấp xã hội mà họ (mơ ước) thuộc về. Vô hình chung, những đứa con của họ, dù được / bị mặc đồng phục tới trường hàng ngày để xoá nhoà ranh giới giàu – nghèo, thì lại “tỉ” nhau bằng thiết bị điện tử của cha mẹ, hoặc mức độ khám phá “chiều sâu” của chiếc iPad 3 mới ra lò. Trong bài viết có tên I am iParent trên tờ Evening Standard phát miễn phí ở London, tác giả sau khi chia sẻ về cơn nghiện iPad của cô con gái mình đã quyết định xếp chiếc tablet thông minh lên nóc tủ để cho đứa con được phát triển bình thường. Có lẽ, cách duy nhất để cai nghiện cho những đứa con là cai nghiện cho chính cha mẹ chúng. _______________ Chú thích: [1] Việc dịch từ iParents ra tiếng Việt sẽ không lột tả được ý nghĩa cũng như hiệu quả âm thanh, thị giác của thuật ngữ - vốn có mối quan hệ mật thiết với sản phẩm iPhone, iPad của hãng máy tính Apple. Nói một cách đơn giản, iParents được hiểu là những bậc cha mẹ của thế hệ iTouch. Họ không những sử dụng iPhone / iPad thường xuyên mà còn dạy / tự hào cho những đứa con chưa biết đọc của mình sử dụng iPhone / iPad thành thạo. [2] Evening Standard, Tuesday 22nd Jan 2013: I am iParent, p.27 |