Cuốn sách Hanging Man: The Arrest of Ai Wei Wei dự kiến sẽ được xuất bản vào ngày 17/9/2013, tuy nhiên đã thấy xuất hiện sớm trên một vài hiệu sách lớn. Cuốn sách được nhiều nhà phê bình cho là tài liệu bằng tiếng Anh đầy đủ nhất về những gì đang xảy ra đối với các tù nhân chính trị Trung Quốc. Trên tờ Literary Review của Anh, Johathan Mirsky mô tả nó như một “tài liệu khủng khiếp và sẽ làm cho những kẻ biện hộ cho CHDCND Trung Hoa như Martin Jacques, tác giả cuốn Khi Trung Quốc Điều khiển Thế giới (When China Rules the World), phải nghĩ lại. Theo tờ The Guardian, Hanging Man… là một bán tiểu sử về Ngải Vị Vị, đặc biệt tập trung vào 81 ngày nghệ sỹ này nằm trong song sắt của chính quyền Trung Quốc, qua đó gián tiếp phê phán “một xã hội đang đi vào hồi khủng hoảng”. Thoạt nhìn cuốn sách, không khỏi có cảm giác nó như một bước đi có tính toán của nghệ sỹ họ Ngải này, ít ra thì ông đã rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ thực hiện nó và chắc là phải mong ngóng ngày nó được xuất bản lắm. Trích lời Vị Vị nói với tác giả, trong cuốn sách có đoạn: “Anh phải ghi lại câu chuyện này ngay để lưu trữ bởi vì chẳng mấy chốc tôi sẽ quên luôn. Tôi nhận ra rằng nó sẽ trở thành một tài liệu cực kỳ quan trọng, thể hiện được bối cảnh cơ bản của đất nước này, của thể chế này và của cái cách ứng xử và suy nghĩ này”. Trang bìa của sách cũng được ghi chú là do Vị Vị cùng Wang Wo (ai biết phiên âm xin dịch giúp) thiết kế. ![]() Còn trong bìa phụ cuốn sách, nhà xuất bản viết: “Ngay sau khi Ngải Vị Vị được thả, Barnaby Martin đã bay ngay tới Bắc Kinh để phỏng vấn ông về cuộc giam giữ và thu thập được thêm nhiều thông tin về những gì thực sự đang diễn ra nơi hậu trường chính trị của chính đảng Cộng sản Trung Quốc. Dựa trên những cuộc phỏng vấn và mối quan hệ gần gũi với Ngải Vị Vị, Martin đã giúp người đọc khám phá cuộc đời, nghệ thuật và các hoạt động chính trị của người nghệ sỹ, qua đó phác hoạ phần nào nghệ thuật Trung Hoa hiện đại. Đó là một bức tranh giàu chi tiết về một con người cùng môi trường sống của anh ta, về những gì anh ta truyền tải - giao tiếp thông qua các tác phẩm, đồng thời về những hoạt động ngày càng mạnh mẽ của phong trào dân chủ ở Trung Quốc. Đây là một cuốn sách về lòng dũng cảm, về niềm hi vọng ẩn giấu trong một thế giới thiếu vắng tự do và công bình”. Mặc dù nhận được vô số lời tán dương, cuốn sách vẫn nhận được một số lời phê bình. Theo tờ Literary Review (Anh), tác giả Martin đã mắc lỗi khi viết về lịch sử Trung Hoa hiện đại và sử dụng những nguồn tài liệu cũ chưa cập nhâp, khiến một vài lập luận chưa thực sự hoàn hảo. Bỏ qua một hai điều còn gượng gạo ấy, cuốn sách có lẽ có một giá trị nhất định về mặt chính trị cũng như góp phần củng cố vị thế của Ngải Vị Vị. Người ta vẫn nói 81 ngày của Ngải Vị Vị chưa là gì so với 11 năm của bạn ông Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel Hoà Bình năm 2010. Tuy nhiên, ngồi tù ít hơn không có nghĩa là lao động ít hơn hay có sức ảnh hưởng nhỏ hơn. Trên một phương diện nào đó, có thể nói, bằng việc xuất bản cuốn sách, tác giả đã biểu tượng hoá người nghệ sỹ này, dùng Ngải Vị Vị làm đại diện cho nhiều người thuộc nhóm trí thức Trung Hoa hiện đại khác đã, đang bị cầm tù một cách công khai hoặc bí mật. Xem thêm thảo luận: http://soi.com.vn/?p=116586 Do Thái giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất thế giới còn tồn tại cho đến ngày nay. Cộng đồng người Do Thái chỉ chiếm 0.2% dân số thế giới nhưng tên tuổi thì không ai là không biết. Điều gì đã làm cho họ nổi tiếng (và cả tai tiếng?) đến vậy? Triển lãm The Whole Truth (Toàn bộ sự thật) ở Bảo tàng Do Thái Berlin, Đức, câu trả lời đã phần nào được hé lộ. Nhìn chung, việc nhận biết người Do Thái qua chiếc mũ kippah, khẩu phần ăn không thịt lợn, lễ Shabbat cuối tuần là những điều dễ dàng đọc được ở nhiều nguồn tài liệu mở online. Tuy nhiên, điều thú vị của triển lãm này là sự đối thoại của khách tham quan về vấn đề Do Thái. Trong không gian trưng bày, bảo tàng dựng một bức tường bê tông khá rộng, cùng giấy nhớ hồng và bút để mọi người ghi lại những câu hỏi mà mình còn thấy băn khoăn thắc mắc về người Do Thái cùng tôn giáo của họ. Bởi bảo tàng Do Thái được cho là tiếng nói của chính dân tộc này nói về mình, những ý kiến của khách tham quan đó đặc biệt có giá trị cân bằng tính khách quan đa chiều. Trong số đó, có những câu hỏi mang tính chất tôn thờ dân tộc Do Thái. Cũng có những mẩu giấy ghi lời cảm thán chung chung về cuộc thảm sát của Hitler. Cá biệt và thú vị hơn, là những sự phản biện, thắc mắc mang màu sắc phê phán và tranh luận, thậm chí phản biện cực đoan: “Vì sao người thổ dân bản địa ở Mỹ lại ít được chú ý quan tâm hơn dù số phận cũng có nét tương đồng?” “Vì sao dân Do Thái lại yêu tiền thế?” “Nếu không có Hitler và chiến tranh thế giới thứ 2, chưa chắc dân tộc Do Thái đã nổi tiếng như bây giờ. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là một dân tộc thiểu số”. … Ngoài ra, trong triển lãm còn có một trắc nghiệm nhỏ khá thú vị (ảnh trên). Người ta đặt năm chiếc tủ kính đặt cạnh nhau đại diện cho 5 đáp án cho câu hỏi Bạn có nghĩ người Do thái: 1. Thông thạo làm ăn 2. Yêu động vật 3. Có tầm ảnh hưởng 4. Thông minh 5. Đẹp Khách tham quan sẽ nhặt các đồng xu trong một chiếc hộp và thả vào câu trả lời nào mình thấy phù hợp. Kết quả là, đại đa số nghĩ người Do Thái thông minh và thông thạo làm ăn, những đặc điểm còn lại nhận được ít câu trả lời tán đồng hơn. Đặc điểm yêu động vật nghe có vẻ hơi không liên quan khi đưa ra làm thước đo cho cả một dân tộc. Tuy nhiên, với không gian triển lãm đặt ở nước Đức, một xã hội đặt chó ở vị trí ưu tiên cao nhất, trên cả phụ nữ, người già – trẻ em và đàn ông cuối cùng, điều này thực ra lại vô cùng hợp lý. Dưới đây là một số hình ảnh của triển lãm. |