Lý do tôi đi xem triển lãm Sự sống và Cái chết ở Pompeii & Herculaneum một phần lớn là vì nó được trưng bày trong phòng đọc mái vòm cũ của Thư viện Anh, nơi đã đóng cửa từ lâu, chỉ hãn hữu mới được mở ra trưng bày những collection đặc biệt. Ở Anh, tôi rất hay bị lẫn lộn không gian trường học với bảo tàng, bởi kiến trúc tương đồng, và trong trường học nào tôi vào cũng bắt gặp các tác phẩm từ Phục hưng tới đương đại xếp đặt hợp lý ở nhiều nơi[i]. Trở lại với Life and Death in Pompeii and Herculaneum triển lãm rất đông người tới xem dù giá vé cộng cả bộ hướng dẫn đa phương tiện vào là tròn 20 bảng, xấp xỉ tiền ăn cá nhân một tuần ở London. Mỗi đợt mở cửa cho khách vào tham quan cách nhau 30 phút, ai có thẻ thành viên thì được vào luôn khỏi phải xếp hàng, nhưng cũng chẳng lợi lộc hơn gì, bởi trước hay sau thì vẫn thấy đông nghịt người chen chúc bên trong giẫm chân huých tay nhau sorry excuse me liên tục. 1. Trong toàn bộ quần thể trưng bày có lẽ đối tượng được trông chờ và quan tâm nhất là bức tượng Thần Pan làm tình với dê (ảnh trên). Vui nhất là đứng ngắm phản ứng của khách tham quan đến từ đủ mọi nơi trên thế giới. Người thì vừa nhìn lướt thoáng qua đã biểu lộ vẻ ghê tởm trên nét mặt quay ngoắt đi không thèm xem cả những hiện vật khác trong phòng. Người thì ối á ồ à gọi ngay bạn bè đến xem cười hích hi bình phẩm. Những người già thường chăm chú đọc rất kỹ chú thích, cố gắng hiểu xem đây là thứ nghi lễ tôn giáo dị đoan nào chăng? Đứng đằng sau một cặp vợ chồng Anh lớn tuổi, tôi nghe rõ mồn một tiếng thì thầm của bạn chồng lặp lại liên hồi với vợ những câu đồng nghĩa:“This is pathetic. This is just not aesthetics. I don’t think it is appropriate here, …[ii]” Trong khi các bạn ấy bàn bạc bày tỏ quan điểm về mỹ học và đạo đức, thì tôi, kẻ chỉ được đứng vòng ngoài xa xăm ngắm Pan và bạn tình yêu nhau, băn khoăn khổ sở nhất với việc xác định giới tính của con dê. Trong bức tượng, Pan, tay trái tì lên khuỷu chân bạn tình, tay phải, nắm chặt lấy râu dê. Tất nhiên, dê đực hay dê cái thì đều có râu, nhưng không hiểu sao chi tiết này cứ làm tôi ám ảnh mãi về giới tính của nó, bởi vì trong xã hội La Mã có phổ biến tình cảm đồng tính dưới hình thức bạn tâm giao tri kỷ. Nếu Pan và con dê đang sinh hoạt tình dục đồng tính thì có phải là tuyệt hay không? Một cú tát vào thế kỷ 21! Thế nên về nhà tôi mới đi ‘bới lông tìm vết’ hỏi wiki cách phát hiện giới tính của dê. Kết quả là, Wiki tiếng Việt bảo ở hầu hết các giống dê, dê đực có sừng, dê cái không. Con dê trong bức tượng có sừng! Đi mò mẫm tiếp đến cách nhận biết giới tính của giống dê núi cả đực và cái đều có sừng, kết quả tôi tìm được một cách nhận dạng như trong ảnh. Theo đó, đường cong bạn tình thần Pan có vẻ gần với con đực hơn. Chưa kể nhìn qua bên ngoài thì hình như sinh thực khí thần Pan còn hơi sát với đuôi con dê hơn bình thường nữa. Cơ mà, cả trong ảnh và bên ngoài, ta đều nhìn thấy rõ ràng, tuyến vú của con dê rất phát triển, trông như dê cái. Thế tóm lại nó là cái giới gì? Giả thuyết của tôi nó là một con dê song tính (intersex)[iii]. Ám ảnh này đã theo tôi cả tuần trời, tôi kể cho Soi, tôi hỏi bạn bè xung quanh về dê đực dê cái. Tất nhiên ai cũng đoán, nhưng chẳng ai dám chắc. Chỉ còn một cách, quay lại nhìn cho kỹ sinh thực khí của con dê. Gần một tuần sau, tôi quyết định quay lại British Museum để xem thêm lần nữa. Lần này không la cà theo đám đông xem từng tí một, tôi tiến thẳng tới Pan và dê. Không do dự xấu hổ lằng nhằng, tôi úp thẳng mặt vào tủ kính, quan sát hồi lâu, trong lòng buồn vô hạn khi thấy hạ bộ bạn dê không có cái linga nào. Tuy vậy, tôi vẫn giữ niềm tin gần tuyệt đối vào giả thuyết bạn tình thần dê mang cả hai giới tính. 2. Rõ ràng như tên gọi, triển lãm được chia làm hai phần: Life – Sự sống và Death – Cái chết. Phần sự sống dông dài nhiều tầng lớp, nhóm vật thể khác nhau. Phần cái chết, đúng như thảm hoạ xảy ra ở Pompeii và Herculaneum ngày cũ, ngắn ngủi và hụt hẫng, nhưng lại khiến cho người xem nghĩ về nhiều điều. Mỗi hoá thạch nạn nhân đều được trưng bày kèm cùng với những đồ vật tìm thấy bên họ. Người thì ôm chặt lấy đứa con, người thì cố gắng mang theo thật nhiều trang sức, bên một cậu thiếu niên người ta tìm thấy một con dao, bên cạnh một thiếu phụ người ta tìm thấy một bộ dũa bằng vàng, … Đứng trước tử thần, con người ta có biết bao nhiêu là lựa chọn khác nhau, ưu tiên thậm chí nhiều khi trái ngược. Cũng như thế, nghĩ về tượng thần Pan làm tình với dê, tôi đã đứng đó và quan sát được biết bao nhiêu thái cực ngược chiều. Suy cho cùng, sự khác biệt giữa từng cá nhân đã là quá rõ, dựa trên nền tảng gia đình, giáo dục, môi trường sống, … không ai giống một ai. Thế mà, không hiểu sao, vẫn có vô số những người cho rằng kẻ sống khác mình là sai trái suy đồi, kẻ làm ngược với số đông là ngu đần xuẩn ngốc, một đứa trẻ thông minh ham đọc sách ít đọc truyện tranh là đánh mất tuổi thơ. Cuối cùng thì, như Jean Paul Sartre đã nói: “WE ARE OUR CHOICE”! XEM THÊM VỀ SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT Ở POMPEII & HERACULANEUM: |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|