Đăng trên trang của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ đào tạo CASA, ĐH KHXH & NV
Cách đây không lâu báo online Đất Việt đăng tải một bài viết có tên “5 tấm bằng đại học ít sử dụng nhất ở Việt Nam”, điểm tên 5 ngành được cho là hiện đang khó xin việc, bị thất sủng trong thị trường lao động hiện tại: Vật lý, Công nghệ môi trường, Công tác xã hội, Lịch sử và Tâm lý học. Các đặc điểm chung của các ngành này được đưa ra là: nhu cầu xã hội và thị trường lao động không chào đón dẫn tới điểm đầu vào và tỉ lệ chọi thấp. Theo quan điểm cá nhân của người viết, bài nhận định trên có mấy điểm cần làm rõ lại như sau: Thứ nhất, nói về CẦU. Có phải chúng ta đang không cần những chuyên gia thuộc 5 lĩnh vực trên hay không? Có thực sự chúng ta đang “thất sủng” những ngành này? Bối cảnh Việt Nam hiện tại ghi nhận những cuộc cải cách công nghệ xanh, sử dụng công nghệ hoá sinh để xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường. Bài viết trên Báo Đất Việt lý giải điều kiện kinh tế khó khăn dẫn tới việc hạn chế trong việc quan tâm tới các vấn đề ấy. Điều này có lẽ không sai nhưng trên thực tế là chưa đầy đủ. Dù Việt Nam đã được đưa vào nhóm các nước đang phát triển, nguồn tài trợ đầu tư của các quỹ quốc tế vào các ngành phát triển xanh, tăng trưởng bền vững vẫn còn không ít. Đó là còn chưa kể đến các tổ chức phi chính phủ, công ty tư vấn Việt Nam đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực môi trường như: NGO&CC, AFEO, … Tình hình cũng tương tự như vậy với ngành công tác xã hội. Nếu điểm qua danh sách tuyển dụng trên trang www.ngo-centre.org.vn, ta sẽ nhận thấy phần lớn các vị trí chuyên gia là thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, sau đó đến công tác xã hội, giáo dục, … Đó là còn chưa kể đến các cơ quan bảo trợ xã hội của nhà nước, các doanh nghiệp xã hội có quan tâm tới sự phát triển bền vững của cộng đồng, … Thế thì vì sao sinh viên của chúng ta thuộc những ngành kể trên sau khi ra trường vẫn thất nghiệp? Để lý giải điều này cần bàn tới yếu tố thứ hai, CUNG. Trong các lĩnh vực được đề cập, cung hiện đang đủ hay thừa? Nếu chỉ xét về số lượng, sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề trên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, vấn đề là sinh viên sau khi ra trường có đủ năng lực đáp ứng các vị trí trong những dự án tiềm năng này hay không? Sinh viên có ngoại ngữ, có kỹ năng mềm, có khả năng phát triển dự án, tính chuyên nghiệp để làm việc trong môi trường thực tế hay không? Chúng ta nên đưa ra sự lựa chọn nào cho sinh viên đây: Các em đừng học ngành này, khổ lắm, hay các em hãy học đi, và trau đồi thêm những kỹ năng bổ trợ, xác suất có việc làm và đóng góp cho xã hội sẽ nhiều hơn? Thứ ba, những dữ liệu sử dụng trong bài viết trên báo Đất Việt đều ở dạng phỏng đoán, con số không rõ ràng: khá nhiều, khá phổ biến, không ít, … và không có trích dẫn nguồn thống kê chính xác. Cách khai thác, đưa tin và đặt tít này có lẽ sẽ khiến một số lượng lớn sinh viên và cả các bậc phụ huynh hoang mang, từ bỏ những nguyện vọng, lựa chọn sẵn có. Nguy hiểm hơn, nó cổ suý cho một lối học tập, làm việc thụ động, phải nhìn thấy kết quả nhãn tiền thì mới bắt tay vào làm mà không có kế hoạch lâu dài, chiến lược. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ theo học các ngành này đã chủ động lao động, thực hiện các dự án của riêng mình mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào một cơ quan, đoàn thể nào. Bằng chứng là có một nhóm sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau thuộc các ngành công tác xã hội, tâm lý đã tự viết ra dự án và được Isee tài trợ thực hiện thành công trong tháng 10/2013. Hoàng Ngân, một người trẻ sinh năm 1989 sau khi nỗ lực học tập ở Pháp về Tâm lý học về đã mở lớp dạy thêm về Phân tâm học cho một nhóm nhà báo. Mở ngoặc thêm là, đối với ngành báo chí, những kiến thức hiểu biết về tâm lý là tối quan trọng, không chỉ để khai thác nhân vật phỏng vấn mà còn để nắm bắt tâm lý công chúng. Một lần nữa, nhìn lại cái cách mà tâm lý đám đông đã chi phối cách định hướng nghề nghiệp của sinh viên thi vào ngành Tài chính – Ngân hàng trong những năm trước, gây ra sự thừa cung thiếu cầu như hiện nay, ta lại càng thấy cần những bài báo định hướng nghề nghiệp “có lương tâm” hơn, chứ không phải là những lời “phỏng đoán”. Trong một cuộc nói chuyện gần đây với sinh viên, giám đốc PR của công ty Le Bros đã đưa ra một lời khuyên chọn ngành nghề theo đuổi, đại ý là hãy nghĩ xem 10 năm nữa bạn là ai, xã hội khi ấy có cần đến những gì bạn có hay không. Việc tỉnh táo chọn nghề, bởi thế thể hiện rất rõ ràng khả năng tiếp cận, chọn lọc và phân tích thông tin, xu hướng của cá nhân. Tựu chung lại, thay vì đưa ra những phân tích phủ đầu học sinh, sinh viên và cả phụ huynh, gây ra những hoang mang trong lựa chọn ngành nghề như bài báo trên tờ Đất Việt, nên chăng chúng ta tập trung vào việc tư vấn cho các em cùng phụ huynh những hướng đi bền vững, những con đường chủ động để cả các cá nhân và xã hội cùng được phát triển tốt đẹp hơn?! |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|