Bài: Ann Lee (Metro) Dịch: Trà My Đăng trên Soi ngày 29.04.2013 Quên đi nhé bỏng ngô với nước ngọt, đi xem phim bây giờ là phải lên facebook, twitter bình xét ngay về bộ phim mình vừa xem để tỏ cho thiên hạ rõ mình thấy phim hay phim dở thế nào. Mạng xã hội hiện nay trở thành một không gian hoàn hảo cho một chút khoe mồm sướng miệng về điện ảnh dù giải trí hay nghệ thuật mà chúng ta vừa mới bỏ tiền ra thưởng thức. Hầu như khán giả nào cũng trở thành một “nhà phê bình” phim thứ thiệt khi cố gắng diễn tả gọn ghẽ những gì mình vừa xem. Xu hướng này chẳng mấy chốc đã được các nhà làm phim để ý, lèo lái theo đường hướng có lợi cho mình: sử dụng quan điểm của những nhân vật bình thường đặt bên cạnh ý kiến của các nhà phê bình xuất chúng. Khi cơn bão Sự bất khả (The Impossible) đổ bộ vào tháng 1, tấm áp phích quảng cáo của phim này thậm chí còn sử dụng ý kiến của các khán giả bình thường đưa lên bên cạnh những nhà bình phim uy tín. Trong số đó có đoạn nhận xét là của một sinh viên ngành thời trang tên Katie Kelly như sau: “Phim hay và đáng xem, làm cho bạn nhận ra điều gì thực sự quan trọng trên đời”. Trên thực tế, chiều hướng nào đang thu hút khán giả? Họ muốn nhận những lời giới thiệu phim từ những khán giả đồng cấp hay từ “dân chuyên” dành cả một đến vài thập kỷ trong phòng tối xem hàng trăm bộ phim mỗi năm?! Barry Norman, nhà phê bình phim kỳ cựu 79 tuổi cực lực phản đối việc trầm trọng hoá các nhận xét về phim của công chúng trên mạng xã hội. “Ý kiến của mỗi cá nhân chỉ có giá trị đối với anh ta, chẳng có ảnh hưởng gì đến ai hết… Internet ở đó, có hàng triệu người post lên ý kiến của mình, bạn chả biết họ là ai, bao nhiêu tuổi, đã xem bao nhiêu phim. Nói thật tôi chẳng quan tâm tí nào đến những người đó, theo tôi họ không đáng tin”.
Norman đã có thâm niên 26 năm làm chủ show BBC’s Film, hàng tuần theo dõi đưa ra bình xét về thị trường phim và phỏng vấn nhân vật. Ông từng phỏng vấn Elizabeth Taylor, Brigitte Bardot, John Wayne, Tom Cruise, Michelle Pfeiffer, Al Pacino và Tom Hanks cùng nhiều người nổi tiếng khác. Barry đặc biệt thích lối phê bình của Philip French cho tờ The Observer và Roger Ebert của Chicago Sun-Times. Với Barry Norman, điều làm nên một nhà phê bình phim đúng nghĩa đơn giản là “Honesty” – chân thành. “Dù bạn có nói gì về bộ phim, đó phải thực sự là điều mà bạn tin tưởng”. Ông nói: “Có hai loại phê bình mà tôi thật tình chẳng bao giờ thèm để ý. Một là loại dùng phim để tự quảng cáo cho bản thân. Hai là loại đi đọc tất cả phê bình của người khác rồi chọn lấy cho mình chiều bình trái ngược ra vẻ ta đây thông minh hơn hết thảy”. Cả hai loại phê phim này, Norman đều cho là “bullshit” và nên mặc xác nó không cần quan tâm. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi mà mọi ấn phẩm đều sử dụng Twitter, Facebook làm phương tiện truyền thông nhanh chóng tức thời, liệu thời kỳ hoàng kim của các nhà phê bình phim đã đến ngày cùng tháng tận? “Tất nhiên ở Mỹ chuyện này có xảy ra. Tôi nghĩ nó thật là ‘man rợ’. Rất nhiều tờ báo của Mỹ đang bỏ dần mục bình phim để độc giả có thể theo dõi thông tin trên mạng. Tôi thấy sự thay thế này chẳng tốt chút nào”, Norman bày tỏ. Ông tin rằng, sự khác biệt giữa nhà phê bình chuyên nghiệp và những kẻ nghiệp dư hành nghề trên Facebook là ở chỗ: “Người bình chuyên nghiệp thì đã phải xem bao nhiêu là phim, hơn các bạn amateur rất nhiều. Có như thế người ta mới trang bị đầy đủ kiến thức, thế giới quan để mà đánh giá bộ phim mà họ xem”. Một nhà PR điện ảnh 35 năm thâm niên tên Charles McDonald cũng cho rằng không có chuyện Twitter hay Facebook sẽ làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của nghiệp phê bình chuyên nghiệp. Tuy nhiên, anh đồng ý, với sự tương tác và nhanh nhạy của mạng xã hội, việc kích thích đám đông, điều tiết một số chiều tác động vào bộ phim là hoàn toàn có thể có. McDonald nói, việc nhận xét về phim trên mạng xã hội có thể được coi như một trường phái phê bình khác, nơi mà các “nhà phê bình” tha hồ kiếm view từ việc bày tỏ quan điểm về bộ phim… |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|