Trường triết học nghệ thuật và mỹ học [1] phương Tây nhiều thế kỷ nay vẫn dành sự tôn thờ tuyệt đối cho hai năng lực cảm thụ từ xa là thị giác và thính giác. Lịch sử nghệ thuật ghi nhận các tác phẩm hội họa, điêu khắc, giao hưởng thính phòng, nhạc kịch,… đều đòi hỏi năng lực cảm và hiểu bằng hai giác quan đó. Cách đây nhiều năm, khi cảm thấy vô cùng bất lực trong việc dùng ngôn ngữ và hình ảnh để diễn đạt cái mà mình đang trải nghiệm (ví dụ như mùi hương ngai ngái mát lành của đám cây lá trước vườn nhà và mướt mát mơn trớn của cơn gió sớm luồn nhẹ vào tóc tai), tôi cũng bất chợt tự hỏi liệu có một phương tiện nào đủ khả năng ghi lại những cảm giác ấy của mình hay không? Cho tới gần đây, suy nghĩ đó lại quay trở lại khi tôi có cơ hội đọc và nghe Laura U. Marks nói về văn hóa đa giác quan.
Đa phương tiện, đa chiều là những thuật ngữ đã được nhắc nhiều thành quen trên truyền thông Việt Nam. Tuy nhiên, đa giác quan dù được chúng ta sử dụng 24/7 trong mọi hoạt động của đời sống lại chưa được mấy ai đề cập. Tương tự như vậy, các tác phẩm nghệ thuật kích thích năng lực thị giác, thính giác cũng đã được phổ cập tới tầm đại chúng, còn những giác quan khác như ngửi, nếm, chạm thì lại có phần hạn chế. Trong tiểu luận Thinking Multisensory Culture (2008) [2], Laura U. Marks đã đặt ra câu hỏi về sự bất bình đẳng trong trật tự giác quan này, trong cả lịch sử nghệ thuật, mỹ học, cũng như trong ngành nghiên cứu văn hóa-nghệ thuật đương đại. Trong khi chúng ta đang nỗ lực đại chúng hóa nghệ thuật và phá bỏ những rào cản mang tính giai cấp và khuôn mẫu thì việc tập trung sự chú ý vào nghệ thuật thị giác/thính giác lại vô hình chung tạo ra một kiểu phân hóa giai cấp khác. Đứng từ khía cạnh cảm thụ nghệ thuật, tác giả đề xuất tiếp cận một tác phẩm bằng nhiều loại giác quan, chứ không chỉ dựa vào năng lực nghe và thấy. Bà viết, ngoài việc được sử dụng như một loại hàng hóa trong xã hội tiêu dùng hiện đại, các trải nghiệm về mùi, vị, xúc giác vẫn chưa thực sự được đối xử một cách đúng đắn, như một kênh tri nhận và đánh giá. Trên thực tế, đứng giữa lằn ranh mong manh của sự khả tri và khả nhận, các giác quan gần gũi với đời sống hàng ngày này có thể là phương tiện hữu hiệu để truyền tải tri thức, cái đẹp, hay thậm chí là đạo đức tới công chúng. Để củng cố cho nhận định này, Laura U. Marks trong buổi thuyết trình tại Goldsmiths College đưa ra giả thuyết về quá trình cảm thụ nghệ thuật của con người gồm ba pha: AFFECT - PERCEPT - CONCEPT - Khi tiếp xúc với một tác phẩm, công chúng thoạt đầu phản ứng bằng những ấn tượng bề nổi, chính là thông qua các năng lực giác quan trời sinh. - Ở pha thứ hai, công chúng bắt đầu liên nối ấn tượng, cảm xúc ban đầu đó với những trải nghiệm cá nhân của bản thân, đây là thời điểm tri giác được hoạt động. - Tới pha cuối cùng, nền tảng học vấn của mỗi cá nhân sẽ liên hệ kết quả của pha tri giác với các khái niệm trừu tượng hơn và đi đến phân tích, thấu hiểu, tự phê bình tác phẩm. Quay trở lại với tính ứng dụng của các giác quan, bởi tính tương tác với cảm xúc và ký ức trong ba pha cảm thụ, một người sẽ hiểu được tác phẩm nhiều nhất nếu sử dụng tối đa giác quan. Bởi thế, một tác phẩm sẽ đạt được hiệu quả biểu đạt cao nhất nếu tác động tối đa tới mọi năng lực cảm giác của con người. Cách thức kỳ diệu này đã bắt đầu được áp dụng trong lĩnh vực giải trí qua loại hình phim 4D, 5D. Tôi hiện đang rất hồ hởi mong được thấy các tác phẩm đa giác quan của nghệ sỹ Việt Nam cũng như cách thức phê bình tác phẩm thông qua năng lực chạm, ngửi,…, trước là để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, sau là hy vọng tạo cung – đáp ứng cầu cho đại chúng. * Chú thích: [1]. Aesthetics. Thuật ngữ aesthetics được đưa vào lý thuyết triết học tương đối muộn, vào thế kỷ 18, bởi Baumgarten. Aesthetics sau đó được Lessing định nghĩa như một sự kết nối giữa nghệ thuật và các giác quan, tuy nhiên nhấn mạnh chỉ các giác quan bậc cao: thị giác và thính giác. [2]. Marks, L.U (2008). Thinking Multisensory Culture. Paragraph 31:2, ed Wilson, E. (07/2008): 123-137 * Về Laura U. Marks: Laura U. Marks (Ph.D) hiện đang giảng dạy bộ môn Art and Culture Studies ở trường Nghệ thuật đương đại thuộc Đại Học Simon Fraser. Bà đồng thời tham gia thỉnh giảng ở nhiều nơi và tham gia hoạt động giám tuyển, phê bình, nghiên cứu, biên tập trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật. Các tác phẩm xuất bản tiêu biểu: - Marks, L.U. (1999). The Skin of the Film: Intercultural Cinema, Embodiment, and the Senses. Duke University Press - Marks, L.U. (2002). Touch: Sensuous Theory and Multisensory Media. U.o.Minnesota Press - Marks, L.U. (2010). Enfoldment and Infinity: An Islamic Geneaology of New Media Art. MIT Press |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|