Cách đây không lâu trên Diễn Ngôn đăng tải bài viết “Khi báo chí tự tước bỏ quyền lực của mình” của tác giả Hoàng Hường. Trong đó, tác giả phê bình nền báo chí Việt Nam hiện nay kém nhanh nhạy, đuối hơi và chậm chạm. Đồng thời, tác giả cũng nhắc tới Myanmar như một ví dụ so sánh về thay đổi cơ chế quản lý báo chí, tạo ra nhiều sự thay đổi tích cực: "Nhìn sang một nước láng giềng: Myanmar đang thay đổi rất mạnh mẽ, một trong những điều thay đổi đó là việc đậy nắp bút của người kiểm duyệt báo chí vì “độc giả chính là người kiểm duyệt tốt nhất”.
Cổ vũ cho tự do báo chí, theo quan điểm cá nhân tôi, là một việc tất yếu nên làm để cung cấp những thông tin đa chiều nhất, gần với sự thật nhất cho công chúng. Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại là tự do không phải là một thuật ngữ đồng nhất được sử dụng giống nhau ở mọi nơi. Trên thế giới, không có một nền báo chí nào tự nhận mình là không tự do cả. Dù vậy, khái niệm này được mỗi quốc gia, mỗi nền chính trị diễn giải theo một cách khác nhau để phù hợp với học thuyết truyền thông mà mình lựa chọn. Trong các nhà nước độc đoán và toàn trị, báo chí được kiểm duyệt chặt chẽ và do nhà nước nắm giữ chủ yếu (thuyết độc đoán) hoặc hoàn toàn (thuyết toàn trị Xô Viết), hình thành nên cơ cấu độc quyền về thông tin. Tự do, theo họ là một nền báo chí nằm dưới sự bảo hộ (kiểm soát) của nhà nước, không phụ thuộc vào thị trường, và không bị chi phối bởi các giao dịch thương mại. Anh và Mỹ, nơi hai trăm năm nay nền báo chí được xây dựng trên cơ sở học thuyết tự do, tức là tách rời hoàn toàn với sự quản lý của nhà nước, là hai quốc gia có chung niềm tin với Milton rằng: “Bằng cách rèn luyện tư duy con người có thể phân biệt đúng – sai, tốt – xấu”nên “cần có sự tiếp cận không giới hạn tới ý tưởng và suy nghĩ của người khác”. Nói cách khác, lúc này báo chí được coi là “thị trường mở cho các ý tưởng”, và công chúng sẽ tự kiểm duyệt thông tin qua “quá trình tự cân bằng” của mỗi cá nhân. Đây chính là mô hình báo chí được tác giả Hoàng Hường nhắc đến trong bài viết nói trên. Ba mô hình quản lý báo chí dựa trên ba học thuyết truyền thông trên đây đã đặt ra vấn đề về “sự nguy hiểm của … tự do không giới hạn và sự nguy hiểm của việc quy định giới hạn cho nó”. Các học thuyết đều nhất trí cần có một giới hạn của sự tự do, nhưng tự do đến đâu thì chưa có một mô hình nào thể hiện được sự ưu việt. Theo tôi, sở dĩ còn tồn tại vấn đề đó là bởi vì mỗi mô hình lại đứng từ lập trường của một chủ thể nhận lợi ích trực tiếp từ mô hình mình chọn. Với thuyết độc đoán và toàn trị Xô Viết, chủ thể là nhà nước và chủ thể này sẽ thiết lập cơ cấu độc quyền thông tin dẫn tới kiểm soát về chính trị. Với thuyết tự do, chủ thể là các nhà xuất bản, các doanh nghiệp báo chí hoạt động dựa trên hệ thống tư bản. “Vấn đề kinh tế của truyền thông đại chúng chưa bao giờ được các nhà thuyết tự do đối diện trực tiếp”. Học thuyết này kiên quyết độc lập với nhà nước nhưng đồng thời lại khiến truyền thông đại chúng rơi vào một nhóm quyền lực khác: một nhóm nhà tư bản có tiềm lực kinh tế. Đây cũng chính là vấn đề còn tồn tại của “thị trường tự do” . Trong cuốn Bốn học thuyết truyền thông , tác giả Theodore Peterson có đề cập tới một học thuyết thứ tư, mà theo tôi là khả quan nhất để áp dụng cho công tác quản lý báo chí hiện nay ở Việt Nam: Thuyết Trách nhiệm xã hội. Theo đó, việc quản lý báo chí và truyền thông đại chúng được song song giám sát bởi chiếc kiềng gồm bốn chân: Nhà nước, Toà án, Người làm báo và Công chúng. Một điểm mấu chốt trong mô hình này là ngoài hoạt động báo chí cung cấp thông thường còn có một hoạt động khác gọi là “phê bình báo chí”. Công tác này được thực hiện trên nhiều “mặt trận”: trên chính các ấn phẩm sách, báo, trên toà án với nhiều vụ kiện liên quan tới việc lạm dụng thương mại hoặc độc quyền kinh tế, trên hiệp hội báo chí dựa trên các quy tắc về đạo đức và trách nhiệm cộng đồng của người làm báo. Với mô hình này, nền báo chí sẽ được phát triển tự do tới mức tối đa, tuy nhiên vẫn nằm trong khuôn khổ phục vụ cho xã hội, tránh được sự tập trung quyền lực vào bất cứ nhóm lợi ích cụ thể nào. Sự khác biệt cơ bản của mô hình quản lý này với mô hình “đậy nắp bút kiểm duyệt” mà tác giả Hoàng Hường nhắc tới là tính chất của sự tự do. Sự tự do ở học thuyết tự do là một hành vi “cố gắng giải thoát” tới độ cực đoan, được một số nhà lý luận gọi là tự do tiêu cực. Còn sự tự do - được cho là tích cực - ở học thuyết trách nhiệm xã hội là trao công cụ cần thiết cho người dân để họ đạt được tự do. Một ví dụ trực quan mà Theodore đưa ra để minh hoạ cho sự so sánh này là: “Tự do tiêu cực … là một tự do sáo rỗng nó giống như bảo một người rằng anh ta có thể tự do đi bộ mà không chắc chắn trước đó là anh ta có bị tàn tật hay không. Thực tế là tự do phải hiệu quả. Chỉ nói với một người là anh ta có quyền tự do giành lấy mục tiêu của mình là không đủ mà cần phải cung cấp cho anh ta những công cụ cần thiết để đạt được mục tiêu đó”. Nền báo chí Việt Nam hiện cần những công cụ gì? Người dân Việt Nam đang cần những công cụ gì? Tôi cho rằng ngoài việc giải toả cơ chế độc quyền nhà nước trong công tác kiểm duyệt và kiểm soát thông tin, nâng cao chất lượng báo chí và đạo đức người làm báo, chúng ta còn cần nâng cao năng lực và kích thích nhu cầu lên tiếng phê bình báo chí ở phạm vi đại chúng, coi đó như một quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân. * Đăng trên Diễn Ngôn ngày 03.12.2013 |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|