iPARENTS[1] – Hay là chuyện tự hào con chưa thạo nói đã thạo iPad nhất nhà Trong những cái tên ăn theo iPhone, iPad, iTunes, … của Steve Job, tôi nghĩ cái nguy ngại nhất là iPARENTS. Những thứ như iSing, iShop, iShare, … thật tình cũng chỉ là vấn đề của một số doanh nghiệp ngại nghĩ. Còn iParents có lẽ là vấn đề lớn, xứng đáng được đem ra làm đề tài nghiên cứu xã hội học về hành vi tiêu dùng của cha mẹ và tác động giáo dục tới con cái. Ở đô thị Việt Nam hiện nay, hiếm có gia đình trẻ nào không có ít nhất một chiếc iPhone hay iPad. Nói đến gia đình trẻ là tôi đang nói đến nhóm thanh niên mới lên chức cha mẹ được vài năm, bởi iPad cũng mới chỉ được tung ra thị trường từ cách đây chưa đầy 3 năm (tháng 4/2010). Họ đa số nằm trong độ tuổi 25-35, thuộc tầng lớp trung cao cấp có thu nhập ổn định, có con nằm trong nhóm tuổi đang theo học mẫu giáo – tiểu học. Đặc điểm chung của các iParents là các con của họ đều thường xuyên được cho / đòi được chơi iPad của cha mẹ. Từ đây, iParents được chia làm hai trường phái. Trường phái thứ nhất là những ông bố bà mẹ dù không thích cho con chơi iPad lắm nhưng cũng tặc lưỡi đồng ý vì như thế thì đỡ phải trông con. Như đã nói ở trên, bởi những bậc cha mẹ này đều đang ở độ tuổi giàu năng lượng chơi và năng suất lao động, họ cần có những khoảng thời gian được ở một mình để tập trung vào các mối quan tâm khác. Buổi tối, sau một ngày mệt lả làm việc, dọn dẹp nhà cửa thì việc chơi với con đôi khi cũng trở thành cực hình. Thay vì trò chuyện, đùa vui với con, họ để con chơi đùa với các nhân vật trò chơi hoặc nhân vật hoạt hình đóng khung trong màn hình iPad. Trường phái thứ hai là những ông bố bà mẹ sính ‘apple’. Nói vậy không phải vì họ thích ăn táo, nếu được như vậy thì thật tuyệt vời bởi táo là thực phẩm vàng cực kỳ tốt cho sức khoẻ. Thực ra, họ sính các sản phẩm chạm, lướt, cảm ứng của Apple như iPhone, iPad. Bởi vậy, đứa con sinh ra khi cầm tới các món đồ chơi ấy, tôi giả thuyết rằng họ bắt đầu có ý nghĩ “con hơn cha là nhà có phúc” và tiếp tục khuyến khích, thường xuyên cho con “giết thời gian” bằng iPad. Trên thực tế, động cơ của hai trường phái trên thường xuyên cộng hưởng với nhau, các iParents vừa muốn con tự chơi không phụ thuộc vào mình, vừa thấy tự hào vì con mình chưa biết đọc, nói chưa sõi tiếng Việt đã có thể dùng thông thạo chiếc iPad toàn tiếng Anh. Ngay cả khi dành thời gian chơi với con cái, họ cũng cùng con giải trí (nghe nhạc, xem hoạt hình), dạy con (đố vui, thử trí thông minh) bằng iPad. Có thể nói, họ - một thế hệ “nghiện” iPhone/iPad đang sản sinh, nuôi dưỡng, cho ra đời một thế hệ nhỏ tuổi cách xa cả hơn hai thập kỷ, cũng nghiện iPad từ khi còn chưa đủ tuổi tới trường. Tôi nhìn xung quanh, bạn bè tôi, anh chị em tôi, và cả tôi ngày ngày giờ giờ phút phút mắt nhìn màn hình, tai đeo tai nghe, tay chấm chấm, kéo thả và nghĩ về thế hệ tương lai. Chúng tôi mới được tiếp cận với nó trong 2-3 năm mà đã phụ thuộc vô số vào thiết bị điện tử “thông minh” này, vậy thì những đứa trẻ được chúng tôi sinh ra nhưng lại được chiếc iPad “giáo dục”, sẽ nghiện nó tới cỡ nào?! Steve Biddulph, một nhà tâm lý học trẻ em – tác giả cuốn Raising Boys and Raising Girls nói: “Có một điều chúng ta nên biết, đó là màn hình thông thường gây ảnh hưởng tới khả năng thị giác và nhận thức của trẻ bởi khi liên tục chỉ nhìn vào màn hình phẳng, cơ thể các em sẽ phát triển lệch trong những năm đầu đời, não lớn lên trong khi thân thể lại không được phát triển tương ứng”[2]. Và các phụ huynh thế hệ iParents, đồng thời với việc đầu độc chính con mình bằng màn hình cảm ứng các cỡ, cũng nhốt con mình trong nhà để tâm hồn chúng gói gọn trong thế giới tưởng tượng nhiều siêu nhân và các bạn nhân vật hoạt hình.
… "Này, bố mẹ tớ không có Ip 4 nữa rồi, bố mẹ tớ mua Ip 5" - "Ừ, bố mẹ tớ còn có Ip 100 cơ" "cậu chẳng biết gì cả, làm gì có đến Ip 100, mới có đến Ip 10 thôi, cậu đúng là dốt ý" - … Ngày hôm qua, cô bạn gái thân thiết của tôi post đoạn hội thoại trên của các em bé 4 tuổi lên facebook. Chính đoạn hội thoại này là điều thôi thúc tôi viết những dòng này. Tôi thích quan sát và lắng nghe trẻ em. Không chỉ bởi chúng đáng yêu, hồn nhiên mà còn bởi chúng giúp tôi hiểu ra vô số thứ. Xã hội người lớn tiêu dùng dựa trên những giá trị ảo tượng trưng cho lối sống sành điệu, cho vị trí – tầng lớp – đẳng cấp xã hội mà họ (mơ ước) thuộc về. Vô hình chung, những đứa con của họ, dù được / bị mặc đồng phục tới trường hàng ngày để xoá nhoà ranh giới giàu – nghèo, thì lại “tỉ” nhau bằng thiết bị điện tử của cha mẹ, hoặc mức độ khám phá “chiều sâu” của chiếc iPad 3 mới ra lò. Trong bài viết có tên I am iParent trên tờ Evening Standard phát miễn phí ở London, tác giả sau khi chia sẻ về cơn nghiện iPad của cô con gái mình đã quyết định xếp chiếc tablet thông minh lên nóc tủ để cho đứa con được phát triển bình thường. Có lẽ, cách duy nhất để cai nghiện cho những đứa con là cai nghiện cho chính cha mẹ chúng. _______________ Chú thích: [1] Việc dịch từ iParents ra tiếng Việt sẽ không lột tả được ý nghĩa cũng như hiệu quả âm thanh, thị giác của thuật ngữ - vốn có mối quan hệ mật thiết với sản phẩm iPhone, iPad của hãng máy tính Apple. Nói một cách đơn giản, iParents được hiểu là những bậc cha mẹ của thế hệ iTouch. Họ không những sử dụng iPhone / iPad thường xuyên mà còn dạy / tự hào cho những đứa con chưa biết đọc của mình sử dụng iPhone / iPad thành thạo. [2] Evening Standard, Tuesday 22nd Jan 2013: I am iParent, p.27 |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|