“Không ai là không mơ ước, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thực hiện ước mơ…” _ trích Lưu bút của Mẹ tôi, PTTH Yên Hoà 1986
Mẹ tôi có một cuốn sổ gồm tập hợp nhiều đoạn lưu bút của những người bạn học chung cấp 3 trường Yên Hoà, kiểu lưu bút của thế hệ những người trẻ tuổi của 25 năm trước, nhiều tình cảm và nói năng luôn gượng nhẹ sợ làm đau nhau. Những năm tiểu học, tôi đọc nó say sưa như đứa trẻ mới vào lớp một mải mê nghiên cứu tập sách giáo khoa đầu tiên của cuộc đời mình. Cho tới giờ, dù đã quên sạch toàn bộ nội dung của nó, tôi vẫn nhớ mãi câu đầu tiên mẹ tôi viết bằng mực xanh pha nhạt trên nền giấy nâu vàng ở ngay trang đầu cuốn sổ: “Không ai là không mơ ước, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thực hiện ước mơ…” Năm tôi học lớp 5, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi lúc đó có đề nghị cả lớp ghi ra một mẩu giấy về mơ ước của mình. Có hai giấc mơ tôi nhớ nhất năm đó, một là của tôi, một của một cậu bạn cùng lớp tên Trương Đức Bình. Tôi ước mình sẽ trở thành cô giáo. Còn cậu bạn kia nguyên văn ước muốn trở thành “bá chủ thế giới”. Thật tình, chuyện làm cô giáo lúc đó với tôi chỉ là một ý nghĩ bộc phát, tôi không biết mình muốn gì cả, nên viết bừa một phương án an toàn và vô hại. Tính đi tính lại, trong tuổi thơ tôi, chưa bao giờ có một thứ gì gọi là ước mơ. Cho tới nhiều năm sau, tôi vẫn thường xuyên nghĩ về nó. Tuy nhiên, mỗi lần được hỏi, ước mơ của em là gì, tôi chỉ lặng thinh. Ước mơ trở thành “bá chủ thế giới” của cậu bạn tiểu học của tôi hồi đó hoá ra cũng lại có chút nào đấy tương đồng với một trong những người tôi từng yêu. Bởi thế, tôi luôn có cảm giác rằng ước mơ phải là một cái gì đấy thật lớn lao vĩ đại, thậm chí phải có ít nhiều sự xa vời viển vông. Còn tôi, những gì tôi nghĩ trong đầu, những gì tôi muốn làm trong tim đều thật thực tế và nằm trong tầm thực hiện. Suốt gần hai mươi năm đầu đời, tôi nghĩ rằng mình chỉ có mong muốn, không có gì thực sự được gọi là ước mơ. Một cách nôm na, có thể hiểu rằng, suốt tuổi niên thiếu, tôi thường có xu hướng mặc cảm tự ti về ước mơ của mình. Năm 15 tuổi, tôi nghĩ yêu và được yêu là điều tuyệt nhất. Tôi thích có một người yêu thật tuyệt và sẽ cưới người đó làm chồng. Năm 15 tuổi, tôi muốn mình được cưới khi vừa tròn tuổi trăng. Bé gái mới lớn mỗi sáng sẽ dậy thật sớm, nấu nướng làm điểm tâm sáng thiệt ngon, xong xuôi bé đi vào buồng ngủ, thơm bạn chồng dịu dàng vào mắt, nũng nịu gọi anh yêu à mình dậy đi thôi. Đó là ước muốn của tôi tuổi 15, một ước muốn tất nhiên đã không thành sự thật. Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu không thích ý nghĩ sẽ lấy chồng. Tôi quyết định mình muốn được ở một mình, sống một cuộc sống phụ nữ thành đạt độc thân. Có thể có tình yêu, nhưng hôn nhân không là điều nhất thiết. Tôi thậm chí cùng với một cô bạn cùng chí hướng còn vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp: hai bạn gái thành đạt tậu villa cạnh nhau, ngày ngày một bạn lái Mini một bạn lái Mercedes đi làm, tối về thay Bentley đi bar giải trí. Một ước muốn sặc mùi vật chất kiểu nữ quyền rởm rít. Tới khi bước vào đại học là đời sống ước mơ của tôi đã bắt đầu bước sang một trang mới. Năm 18 tuổi, khi chứng kiến những cuộc đau đầu chuẩn bị phong bì của cha mẹ cho nhân viên phòng thuế, tổ kiểm tra y tế hay đơn giản là vì mới thay cán bộ công an phường, tôi muốn trở thành nhà báo giỏi, sẽ đi viết điều tra xã hội, hướng tới một nền chính trị đẹp đẽ trong lành. Tôi thi vào trường báo thật, và cũng xin đi làm báo thật. Nhưng ngoài bài viết phản ánh bãi rác trên đường vào chung cư, có tác dụng cứu cả khu nhà tôi khỏi mùi rác thối, tôi tự nhận thấy mình chưa có một bài báo nào ra hồn mơ ước trong suốt 3 năm cả đi thực tập, cộng tác lẫn được ký hợp đồng. May hơn khôn, ước mơ chỉ là mơ ước, tôi kiếm tạm tiền chi trả học phí và đời sống cá nhân nhưng thật tình chưa bao giờ là một nhà báo giỏi. Năm 21 tuổi, lần đầu tiên tôi làm một nghiên cứu truyền thông – xã hội học về sự tái trình hiện hình ảnh nữ giới trên tạp chí giải trí Việt Nam cho khoá luận tốt nghiệp đại học của mình. Đó là lần đầu tiên tôi biết hoá ra trên đời có những thứ gọi là thống soát xã hội, sự thống trị của nam giới, bạo lực tượng trưng, nữ quyền, … cũng là lần đầu tiên tôi bị thôi thúc bởi nhu cầu suy nghĩ, phê phán, phản tư về mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống. Quay trở lại ước mơ, sau khi làm xong khoá luận, tôi, con bé 4 năm đại học chạy đi làm kiếm tiền nhiều hơn đi học, đóng tiền học lại tiền triệu môn thể dục và logic học đại cương bắt đầu mơ ước mình được đi học. Chưa bao giờ tôi cảm thấy rõ rệt giá trị của việc học đến như thế, không phải vì tấm bằng giỏi, không phải vì một cái mốc nào đó cần đạt được trong đời. Tôi ước mình được học, bởi ý nghĩa đơn giản nhất của sự học, để HIỂU. Để hiểu vì sao truyền thống phụ nữ Việt Nam cho đến ngày cưới phải còn nguyên vẹn màng trinh. Để hiểu vì sao tư thế làm tình phổ biến nhất là ‘trai trên gái dưới’. Để hiểu vì sao Omo sử dụng thông điệp Bẩn là hay (Dirt is Good). Để hiểu vì sao người ta sơn máy giặt thì màu trắng, còn ti vi điện thoại lại màu đen. Tôi còn có thể kể ra nhiều trang nữa những gì tôi đã hiểu ra – như một kết quả của một sự học nguyên chất thuần tuý. Và thế là, tôi mơ ước được HỌC và HIỂU. Có người hỏi tôi, có tiếc 4 năm đại học đã không chăm chỉ đi học không? Tôi cũng hơi hơi đôi lúc, nhưng đa phần là không tiếc, cũng như tôi gần như chưa từng hối tiếc vì bất kỳ quyết định nào của mình. Không phải bởi thời gian đã trôi qua không thể nào trở lại, mà vì hơn hết, tôi quan niệm, mình có thể học được ở bất kỳ đâu, từ bất kỳ ai, và không có quá trình nào là bỏ phí nếu tôi còn dùng năng lượng mình có để mà lao động nhiệt tình. 4 năm ít tới trường, tôi học ít hơn từ giảng viên và giáo trình, nhưng tôi được học nhiều hơn từ môi trường lao động và đời sống hàng ngày. Như tôi vẫn thường khoe với các bạn mình, tôi thấy mình học được từ cả những người các bạn gọi là ‘ngu’. Từ bấy đến giờ, ước mơ của tôi chưa thay đổi. Đó cũng đồng thời là ước mơ duy nhất từ khi sinh ra đến giờ không làm cho tôi cảm thấy tự ti và xấu hổ. Trái lại, nó còn làm tôi hết sức mãn nguyện và hài lòng. Trong vấn đề “mơ ước”, tôi đột nhiên nhận ra mình chưa bao giờ là một người theo chủ nghĩa lãng mạn. Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ chính cái câu đề từ Mẹ tôi viết đầu cuốn sổ lưu bút kia đã trở thành bài học đầu tiên, dai dẳng theo suốt cuộc đời. Nó làm tôi rụt rè mơ ước (vì sợ nó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực), nhưng đồng thời sau này nó cũng khiến tôi kiên quyết và cứng đầu thực hiện bất kỳ thứ gì mà mình gọi là ước mơ, dù đôi khi theo những cách thức thật điên rồ và nông nổi. Nhưng mà thôi, có hề gì? Cuối cùng, điều quan trọng nhất là tôi (nghĩ mình) đã có được cái gọi là “NIỀM TIN và ƯỚC MƠ”… |
buitramy.com ⓒ 2021
Archive
March 2024
|