"we are our choices"
  • Home
  • About My
  • TEACHING
  • BLOG

Tên tôi là My
Sinh ngày 12/12/1990

Tôi sinh năm 1990, một năm chông chênh sau Đổi Mới 1986. Đứng giữa hai thế hệ mà người ta vẫn hay gọi tên 8X ‘đầu đinh’ và 9X ‘đầu xù’. Đứng giữa những biến đổi của nền kinh tế vừa mới chuyển từ bao cấp sang thị trường, từ sản xuất sang tiêu dùng, của làn sóng Tây hoá đương đại⁠, của Đô thị hoá, rồi Toàn cầu hoá, Mỹ hoá và cả Hàn hoá, Đần hoá⁠,...

​20 năm đầu đời, tôi chứng kiến sự đi lên của nhiều cá nhân tổ chức, sự đảo lộn, tái tạo của nhiều giá trị, và đặc biệt, những luồng sóng văn hoá rõ rệt của những người trẻ tuổi bằng hoặc gần trạc tuổi tôi. 


Nhìn một cách toàn diện, có thể nói, tôi là con người của hai thế giới, của Đông và Tây, của đói nghèo, đu đủ rồi đến thừa vật chất, của lao động và tiêu dùng, của chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân, của vị tha và vị kỷ, của truyền thống và hiện đại, của ổn định và thay đổi đảo điên. Như một đứa con lai sinh ra giữa điểm tụ của muôn ngàn dòng chảy nóng lạnh bất kỳ. 
Như Levis Strauss nói trong thuyết cấu trúc⁠ luận, chúng ta không tự nhiên sinh ra  mà trở thành thứ mà chúng ta đang là hay Michel Foucault diễn tả về sự tồn tại của cái tôi như một hiện thực becoming - đang trở thành chứ không chỉ tĩnh tại being - đang là, con người của tôi hiện tại chính là được cấu thành nên từ những giá trị xung quanh mình.
​
​Tôi sinh ra vào khoảng gần 0h00 ngày 12/12/1990, là con gái đầu của bố mẹ tôi trong một gia đình trung lưu không giàu cũng chẳng nghèo. Chỉ chừng ấy dữ liệu đã là đủ để mơ hồ hình thành nên một bối cảnh nào đó cấu thành nên tính cách, đường đời của tôi. Bởi vậy, sinh ra trong một thời kỳ chuyển giữa được trải qua đủ mọi cung bậc của xã hội, tôi thấy mình may mắn. Tôi đã không phải trải qua quá nhiều đau đớn đói ăn để có phần trăm nào đó trở thành một con người nhút nhát, nhỏ bé hay sợ sệt. Tôi đã không phải chỉ có sống thừa mứa trong nhung lụa để chẳng còn biết thế nào là giá trị của một bữa ăn ngon êm ấm.

in between...
​"là con người của hai thế giới"

Picture
Cải tiến xe chở rác bằng cách kết hợp với xe gắn máy để tăng năng suất lao động. Ảnh: Bùi Trà My. Chụp tại ngõ 99, phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội.

I write, therefore I am...

Tháng 6 năm 2010, tôi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của trang blog đầu tiên với lời mô tả:  "Trong giấc mơ dịu ngọt một buổi trưa mùa hạ, tôi mơ mình vừa viết xong mấy chữ. Và cứ thế thôi, may hay không may tôi lại nhớ được một vài giấc mơ ấy và ghi chép lại vào đây. Để lưu giữ mình, hay lưu giữ từng giọt kí ức đã bay đến". 

Cho đến thời điểm này, những gì tôi viết ra đã vượt ra ngoài ranh giới của việc biểu đạt cảm xúc, ghi chép ký ức đơn thuần.


Trong định nghĩa về Identity – Nhân dạng/ Căn tính của một con người, John Hartley [1] có nhắc tới cụm từ ‘to make sense of the self’. Làm thế nào để sự tồn tại của bản thân chúng ta có nghĩa? Làm thế nào để hợp lý hoá được cuộc đời mà chúng ta đang sống, chứng minh được việc mình đang tồn tại có một giá trị nào đó trong xã hội và trong tiến trình phát triển loài người? Có người trong chúng ta sẽ đi lý luận, đi kiến giải thế giới: I think, therefore I am. Có người sẽ đi mua sắm: I shop, therefore I am.

Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng miễn là sức lao động được chuyển hoá ra thành vật chất, dù vô hình hay hữu hình, thì đều có giá trị đóng góp cho công cuộc phát triển bền vững. Nói thế, bởi tôi đang nghĩ tới những chu trình sản xuất, những cuộc trao đổi thương mại không có tính hiệu quả và xây dựng, ví dụ như đi ăn một bữa với anh chủ tịch và mang về một lô đất, đi xây một căn nhà giá chục nghìn để mua qua bán lại cuối cùng đẩy giá trên triệu đô không nhằm mục đích cho bất kỳ ai ở, nhà có 3 người đi xây nhà 8 tầng để ở không hết cũng chẳng cho thuê, những ‘đứa trẻ’ mười chín, hai mươi tuổi chưa lao động làm ra giá trị được một ngày nhưng lại sống chết phải đòi bố mẹ mua cho xe sang, điện thoại đắt tiền và quần áo đẹp, … Đối với tôi, giá trị của người công nhân vệ sinh hàng ngày gõ kẻng ở đầu ngõ nhà, còn cao hơn bất kỳ một quan chức cấp cao ‘bán nước’ [2] nào, cho dù, có thể xét về tiêu chí số lượng, chắc chắn ông thủ tướng phải hơn đứt một anh quét rác cấp thôn.

Còn tôi, tôi chọn cách viết này như một hành động lao động để ‘make sense of the self’. I write, therefore I am …

---

[1] Hartley, J. (2000). Media and Cultural Studies: The Key Concepts. Routledge.
[2] ‘bán nước’ ở đây được đặt trong dấu ngoặc kép nhằm ám chỉ quá trình sản xuất không đem lại hiệu quả như đúng ra nó phải đạt. Nói cách khác, việc lao động thiếu hiệu quả ở tầm vĩ mô này có ảnh hưởng nghiêm trọng tới vô vàn cá nhân khác. Vị quan chức đó, trong trường hợp này đã không thực hiện được chức năng xã hội của mình, vì thế giá trị lao động đôi khi không bằng cả người công dân vệ sinh ngày đêm đi quét rác làm sạch phố phường.
đọc thêm
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Home
  • About My
  • TEACHING
  • BLOG