“Không ai là không mơ ước, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thực hiện ước mơ…” _ trích Lưu bút của Mẹ tôi, PTTH Yên Hoà 1986
Mẹ tôi có một cuốn sổ gồm tập hợp nhiều đoạn lưu bút của những người bạn học chung cấp 3 trường Yên Hoà, kiểu lưu bút của thế hệ những người trẻ tuổi của 25 năm trước, nhiều tình cảm và nói năng luôn gượng nhẹ sợ làm đau nhau. Những năm tiểu học, tôi đọc nó say sưa như đứa trẻ mới vào lớp một mải mê nghiên cứu tập sách giáo khoa đầu tiên của cuộc đời mình. Cho tới giờ, dù đã quên sạch toàn bộ nội dung của nó, tôi vẫn nhớ mãi câu đầu tiên mẹ tôi viết bằng mực xanh pha nhạt trên nền giấy nâu vàng ở ngay trang đầu cuốn sổ: “Không ai là không mơ ước, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thực hiện ước mơ…” Năm tôi học lớp 5, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi lúc đó có đề nghị cả lớp ghi ra một mẩu giấy về mơ ước của mình. Có hai giấc mơ tôi nhớ nhất năm đó, một là của tôi, một của một cậu bạn cùng lớp tên Trương Đức Bình. Tôi ước mình sẽ trở thành cô giáo. Còn cậu bạn kia nguyên văn ước muốn trở thành “bá chủ thế giới”. Thật tình, chuyện làm cô giáo lúc đó với tôi chỉ là một ý nghĩ bộc phát, tôi không biết mình muốn gì cả, nên viết bừa một phương án an toàn và vô hại. Tính đi tính lại, trong tuổi thơ tôi, chưa bao giờ có một thứ gì gọi là ước mơ. Cho tới nhiều năm sau, tôi vẫn thường xuyên nghĩ về nó. Tuy nhiên, mỗi lần được hỏi, ước mơ của em là gì, tôi chỉ lặng thinh. Ước mơ trở thành “bá chủ thế giới” của cậu bạn tiểu học của tôi hồi đó hoá ra cũng lại có chút nào đấy tương đồng với một trong những người tôi từng yêu. Bởi thế, tôi luôn có cảm giác rằng ước mơ phải là một cái gì đấy thật lớn lao vĩ đại, thậm chí phải có ít nhiều sự xa vời viển vông. Còn tôi, những gì tôi nghĩ trong đầu, những gì tôi muốn làm trong tim đều thật thực tế và nằm trong tầm thực hiện. Suốt gần hai mươi năm đầu đời, tôi nghĩ rằng mình chỉ có mong muốn, không có gì thực sự được gọi là ước mơ. Một cách nôm na, có thể hiểu rằng, suốt tuổi niên thiếu, tôi thường có xu hướng mặc cảm tự ti về ước mơ của mình. Năm 15 tuổi, tôi nghĩ yêu và được yêu là điều tuyệt nhất. Tôi thích có một người yêu thật tuyệt và sẽ cưới người đó làm chồng. Năm 15 tuổi, tôi muốn mình được cưới khi vừa tròn tuổi trăng. Bé gái mới lớn mỗi sáng sẽ dậy thật sớm, nấu nướng làm điểm tâm sáng thiệt ngon, xong xuôi bé đi vào buồng ngủ, thơm bạn chồng dịu dàng vào mắt, nũng nịu gọi anh yêu à mình dậy đi thôi. Đó là ước muốn của tôi tuổi 15, một ước muốn tất nhiên đã không thành sự thật. Năm 17 tuổi, tôi bắt đầu không thích ý nghĩ sẽ lấy chồng. Tôi quyết định mình muốn được ở một mình, sống một cuộc sống phụ nữ thành đạt độc thân. Có thể có tình yêu, nhưng hôn nhân không là điều nhất thiết. Tôi thậm chí cùng với một cô bạn cùng chí hướng còn vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp: hai bạn gái thành đạt tậu villa cạnh nhau, ngày ngày một bạn lái Mini một bạn lái Mercedes đi làm, tối về thay Bentley đi bar giải trí. Một ước muốn sặc mùi vật chất kiểu nữ quyền rởm rít. Tới khi bước vào đại học là đời sống ước mơ của tôi đã bắt đầu bước sang một trang mới. Năm 18 tuổi, khi chứng kiến những cuộc đau đầu chuẩn bị phong bì của cha mẹ cho nhân viên phòng thuế, tổ kiểm tra y tế hay đơn giản là vì mới thay cán bộ công an phường, tôi muốn trở thành nhà báo giỏi, sẽ đi viết điều tra xã hội, hướng tới một nền chính trị đẹp đẽ trong lành. Tôi thi vào trường báo thật, và cũng xin đi làm báo thật. Nhưng ngoài bài viết phản ánh bãi rác trên đường vào chung cư, có tác dụng cứu cả khu nhà tôi khỏi mùi rác thối, tôi tự nhận thấy mình chưa có một bài báo nào ra hồn mơ ước trong suốt 3 năm cả đi thực tập, cộng tác lẫn được ký hợp đồng. May hơn khôn, ước mơ chỉ là mơ ước, tôi kiếm tạm tiền chi trả học phí và đời sống cá nhân nhưng thật tình chưa bao giờ là một nhà báo giỏi. Năm 21 tuổi, lần đầu tiên tôi làm một nghiên cứu truyền thông – xã hội học về sự tái trình hiện hình ảnh nữ giới trên tạp chí giải trí Việt Nam cho khoá luận tốt nghiệp đại học của mình. Đó là lần đầu tiên tôi biết hoá ra trên đời có những thứ gọi là thống soát xã hội, sự thống trị của nam giới, bạo lực tượng trưng, nữ quyền, … cũng là lần đầu tiên tôi bị thôi thúc bởi nhu cầu suy nghĩ, phê phán, phản tư về mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống. Quay trở lại ước mơ, sau khi làm xong khoá luận, tôi, con bé 4 năm đại học chạy đi làm kiếm tiền nhiều hơn đi học, đóng tiền học lại tiền triệu môn thể dục và logic học đại cương bắt đầu mơ ước mình được đi học. Chưa bao giờ tôi cảm thấy rõ rệt giá trị của việc học đến như thế, không phải vì tấm bằng giỏi, không phải vì một cái mốc nào đó cần đạt được trong đời. Tôi ước mình được học, bởi ý nghĩa đơn giản nhất của sự học, để HIỂU. Để hiểu vì sao truyền thống phụ nữ Việt Nam cho đến ngày cưới phải còn nguyên vẹn màng trinh. Để hiểu vì sao tư thế làm tình phổ biến nhất là ‘trai trên gái dưới’. Để hiểu vì sao Omo sử dụng thông điệp Bẩn là hay (Dirt is Good). Để hiểu vì sao người ta sơn máy giặt thì màu trắng, còn ti vi điện thoại lại màu đen. Tôi còn có thể kể ra nhiều trang nữa những gì tôi đã hiểu ra – như một kết quả của một sự học nguyên chất thuần tuý. Và thế là, tôi mơ ước được HỌC và HIỂU. Có người hỏi tôi, có tiếc 4 năm đại học đã không chăm chỉ đi học không? Tôi cũng hơi hơi đôi lúc, nhưng đa phần là không tiếc, cũng như tôi gần như chưa từng hối tiếc vì bất kỳ quyết định nào của mình. Không phải bởi thời gian đã trôi qua không thể nào trở lại, mà vì hơn hết, tôi quan niệm, mình có thể học được ở bất kỳ đâu, từ bất kỳ ai, và không có quá trình nào là bỏ phí nếu tôi còn dùng năng lượng mình có để mà lao động nhiệt tình. 4 năm ít tới trường, tôi học ít hơn từ giảng viên và giáo trình, nhưng tôi được học nhiều hơn từ môi trường lao động và đời sống hàng ngày. Như tôi vẫn thường khoe với các bạn mình, tôi thấy mình học được từ cả những người các bạn gọi là ‘ngu’. Từ bấy đến giờ, ước mơ của tôi chưa thay đổi. Đó cũng đồng thời là ước mơ duy nhất từ khi sinh ra đến giờ không làm cho tôi cảm thấy tự ti và xấu hổ. Trái lại, nó còn làm tôi hết sức mãn nguyện và hài lòng. Trong vấn đề “mơ ước”, tôi đột nhiên nhận ra mình chưa bao giờ là một người theo chủ nghĩa lãng mạn. Bây giờ nhớ lại, tôi nghĩ chính cái câu đề từ Mẹ tôi viết đầu cuốn sổ lưu bút kia đã trở thành bài học đầu tiên, dai dẳng theo suốt cuộc đời. Nó làm tôi rụt rè mơ ước (vì sợ nó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực), nhưng đồng thời sau này nó cũng khiến tôi kiên quyết và cứng đầu thực hiện bất kỳ thứ gì mà mình gọi là ước mơ, dù đôi khi theo những cách thức thật điên rồ và nông nổi. Nhưng mà thôi, có hề gì? Cuối cùng, điều quan trọng nhất là tôi (nghĩ mình) đã có được cái gọi là “NIỀM TIN và ƯỚC MƠ”… Lý do tôi đi xem triển lãm Sự sống và Cái chết ở Pompeii & Herculaneum một phần lớn là vì nó được trưng bày trong phòng đọc mái vòm cũ của Thư viện Anh, nơi đã đóng cửa từ lâu, chỉ hãn hữu mới được mở ra trưng bày những collection đặc biệt. Ở Anh, tôi rất hay bị lẫn lộn không gian trường học với bảo tàng, bởi kiến trúc tương đồng, và trong trường học nào tôi vào cũng bắt gặp các tác phẩm từ Phục hưng tới đương đại xếp đặt hợp lý ở nhiều nơi[i]. Trở lại với Life and Death in Pompeii and Herculaneum triển lãm rất đông người tới xem dù giá vé cộng cả bộ hướng dẫn đa phương tiện vào là tròn 20 bảng, xấp xỉ tiền ăn cá nhân một tuần ở London. Mỗi đợt mở cửa cho khách vào tham quan cách nhau 30 phút, ai có thẻ thành viên thì được vào luôn khỏi phải xếp hàng, nhưng cũng chẳng lợi lộc hơn gì, bởi trước hay sau thì vẫn thấy đông nghịt người chen chúc bên trong giẫm chân huých tay nhau sorry excuse me liên tục. 1. Trong toàn bộ quần thể trưng bày có lẽ đối tượng được trông chờ và quan tâm nhất là bức tượng Thần Pan làm tình với dê (ảnh trên). Vui nhất là đứng ngắm phản ứng của khách tham quan đến từ đủ mọi nơi trên thế giới. Người thì vừa nhìn lướt thoáng qua đã biểu lộ vẻ ghê tởm trên nét mặt quay ngoắt đi không thèm xem cả những hiện vật khác trong phòng. Người thì ối á ồ à gọi ngay bạn bè đến xem cười hích hi bình phẩm. Những người già thường chăm chú đọc rất kỹ chú thích, cố gắng hiểu xem đây là thứ nghi lễ tôn giáo dị đoan nào chăng? Đứng đằng sau một cặp vợ chồng Anh lớn tuổi, tôi nghe rõ mồn một tiếng thì thầm của bạn chồng lặp lại liên hồi với vợ những câu đồng nghĩa:“This is pathetic. This is just not aesthetics. I don’t think it is appropriate here, …[ii]” Trong khi các bạn ấy bàn bạc bày tỏ quan điểm về mỹ học và đạo đức, thì tôi, kẻ chỉ được đứng vòng ngoài xa xăm ngắm Pan và bạn tình yêu nhau, băn khoăn khổ sở nhất với việc xác định giới tính của con dê. Trong bức tượng, Pan, tay trái tì lên khuỷu chân bạn tình, tay phải, nắm chặt lấy râu dê. Tất nhiên, dê đực hay dê cái thì đều có râu, nhưng không hiểu sao chi tiết này cứ làm tôi ám ảnh mãi về giới tính của nó, bởi vì trong xã hội La Mã có phổ biến tình cảm đồng tính dưới hình thức bạn tâm giao tri kỷ. Nếu Pan và con dê đang sinh hoạt tình dục đồng tính thì có phải là tuyệt hay không? Một cú tát vào thế kỷ 21! Thế nên về nhà tôi mới đi ‘bới lông tìm vết’ hỏi wiki cách phát hiện giới tính của dê. Kết quả là, Wiki tiếng Việt bảo ở hầu hết các giống dê, dê đực có sừng, dê cái không. Con dê trong bức tượng có sừng! ![]() Đi mò mẫm tiếp đến cách nhận biết giới tính của giống dê núi cả đực và cái đều có sừng, kết quả tôi tìm được một cách nhận dạng như trong ảnh. Theo đó, đường cong bạn tình thần Pan có vẻ gần với con đực hơn. Chưa kể nhìn qua bên ngoài thì hình như sinh thực khí thần Pan còn hơi sát với đuôi con dê hơn bình thường nữa. Cơ mà, cả trong ảnh và bên ngoài, ta đều nhìn thấy rõ ràng, tuyến vú của con dê rất phát triển, trông như dê cái. Thế tóm lại nó là cái giới gì? Giả thuyết của tôi nó là một con dê song tính (intersex)[iii]. Ám ảnh này đã theo tôi cả tuần trời, tôi kể cho Soi, tôi hỏi bạn bè xung quanh về dê đực dê cái. Tất nhiên ai cũng đoán, nhưng chẳng ai dám chắc. Chỉ còn một cách, quay lại nhìn cho kỹ sinh thực khí của con dê. Gần một tuần sau, tôi quyết định quay lại British Museum để xem thêm lần nữa. Lần này không la cà theo đám đông xem từng tí một, tôi tiến thẳng tới Pan và dê. Không do dự xấu hổ lằng nhằng, tôi úp thẳng mặt vào tủ kính, quan sát hồi lâu, trong lòng buồn vô hạn khi thấy hạ bộ bạn dê không có cái linga nào. Tuy vậy, tôi vẫn giữ niềm tin gần tuyệt đối vào giả thuyết bạn tình thần dê mang cả hai giới tính. 2. Rõ ràng như tên gọi, triển lãm được chia làm hai phần: Life – Sự sống và Death – Cái chết. Phần sự sống dông dài nhiều tầng lớp, nhóm vật thể khác nhau. Phần cái chết, đúng như thảm hoạ xảy ra ở Pompeii và Herculaneum ngày cũ, ngắn ngủi và hụt hẫng, nhưng lại khiến cho người xem nghĩ về nhiều điều. Mỗi hoá thạch nạn nhân đều được trưng bày kèm cùng với những đồ vật tìm thấy bên họ. Người thì ôm chặt lấy đứa con, người thì cố gắng mang theo thật nhiều trang sức, bên một cậu thiếu niên người ta tìm thấy một con dao, bên cạnh một thiếu phụ người ta tìm thấy một bộ dũa bằng vàng, … Đứng trước tử thần, con người ta có biết bao nhiêu là lựa chọn khác nhau, ưu tiên thậm chí nhiều khi trái ngược. Cũng như thế, nghĩ về tượng thần Pan làm tình với dê, tôi đã đứng đó và quan sát được biết bao nhiêu thái cực ngược chiều. Suy cho cùng, sự khác biệt giữa từng cá nhân đã là quá rõ, dựa trên nền tảng gia đình, giáo dục, môi trường sống, … không ai giống một ai. Thế mà, không hiểu sao, vẫn có vô số những người cho rằng kẻ sống khác mình là sai trái suy đồi, kẻ làm ngược với số đông là ngu đần xuẩn ngốc, một đứa trẻ thông minh ham đọc sách ít đọc truyện tranh là đánh mất tuổi thơ. Cuối cùng thì, như Jean Paul Sartre đã nói: “WE ARE OUR CHOICE”! XEM THÊM VỀ SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT Ở POMPEII & HERACULANEUM: |
English fragmentswww.buitramy.com © 2018
Lưu trữ
December 2018
Đọc thêm# KIỂM DUYỆT BÁO CHÍ: Chọn tự do tích cực hay tự do tiêu cực
# ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP: Doạ nhau sợ hay cùng nhau lớn khôn # Văn hoá đa giác quan # Triển lãm mở Flat 34 # Mạng xã hội làm đần hoá việc phê bình? # Triển lãm Sự sống và Cái chết ở Pompeii và Herculenum: WE ARE OUR CHOICE # "THE WHOLE TRUTH": Về Do Thái & Không Do Thái |