buitramy
  • Home
  • About My
  • Work
    • News Literacy / Đọc báo tỉnh táo
  • Fragments
    • Tiếng Việt
    • English
  • Teaching Diaries

Tinder: Hẹn hò thời vuốt, chạm...

30/12/2018

Comments

 
0. How I Met Your Mother? 

Giả sử 20 năm nữa, nếu con bạn hỏi ngày xưa bố mẹ hẹn hò ra sao, bạn sẽ trả lời thế nào? Theo kinh nghiệm bản thân chuyện trò về chủ đề này với các đối tượng khác nhau, câu chuyện tình nào nghe cũng như tiểu thuyết. Chuyện được kể ngay tiếp theo đây cũng là một trong số đó.

Minh sinh năm 1990. Năm 2003, khi cô gái Minh 13 tuổi, ở Hà Nội bùng nổ những cửa hàng cafe Internet. Dọc phố Nam Cao - trường Ams cũ, trường Nguyễn Trãi bây giờ - là san sát các cửa hàng ăn vặt kiểu học sinh, bán đầy những khoai tây chiên, nem chua rán, sữa chua thạch, sandwich pa-tê thịt nguội, nui xào,… và tất nhiên đầy những quán net ADSL, giá 3 nghìn đồng/giờ với mấy anh trông quán xuyên đêm lúc nào cũng râu ria lờ đờ như nghiện. 

Thời đó, các cậu con trai 13 tuổi thì chủ yếu vào quán để chơi game. Còn các cô gái thì đã bắt đầu làm quen với “chat”. Theo lời Minh kể, ngày đầu tiên bước vào quán cafe internet, Minh và đứa bạn thân không biết chút gì hết. Anh trông quán net giúp hai đứa khởi tạo cái nick đầu tiên và hướng dẫn lên chatroom, bắt đầu nói chuyện với những người xa lạ hoàn toàn lần đầu tiên trong đời.
Những ngày đầu, Minh và cô bạn thân của mình chỉ toàn chat trên nền tảng MIRC, một không gian cho phép bất kỳ ai cũng có thể chọn một nickname cho mình, xác định đối tượng và bắt đầu chat, “tất nhiên bọn tớ toàn chat với bọn con trai”, Miu kể. Mỗi lần có anh nào hỏi xin nick Yahoo thì hai cô ngây thơ đến nỗi tưởng Yahoo là thứ tài sản gì đó mà mình không có. Thậm chí, cô bạn của Miu còn có câu trả lời “thần thánh” là: “Nhà em nghèo lắm, không có Yahoo đâu”. Lúc đó, tôi tưởng tượng ra là anh bạn phía đầu chat bên kia chắc là khựng lại nghĩ em này chảnh thật, còn từ chối cho nick theo cách này.

Minh kể, cô không nhớ được mình đã nói chuyện gì với những nickname sáng đèn, chỉ nhớ được rằng, thời đó, có một xu hướng đặt nick online theo kiểu: boy_dep_trai_kieu_han_quoc, dep_trai_khong_ban_gai2003, …  Khi độ hấp dẫn của một con người phụ thuộc chủ yếu vào sự ấn tượng của nickname thì người ta bắt đầu bỏ công sức nhiều nghĩ ra cái gì cho thật hay ho, cái gì để thể hiện được cá tính của mình đúng nhất, và quan trọng là phải gây được ấn tượng trong số vô vàn cái nick đang sáng trên kia, on off liên tục gây sự chú ý. Miu nói với tôi rằng, mấy đứa bắt đầu tra từ điển để tìm ra những tính từ hay ho nhất để mô tả mình: kiểu slygirl, coolkid,… Phải thừa nhận, việc chat chit này làm tăng vốn tiếng Anh của các bạn một cách đáng kể, và bắt đầu có những ý thức đầu tiên về việc tạo dựng “thương hiệu cá nhân”. 
Picture
Sau roomchat, sau yahoo messenger - đại diện cho các cuộc đối thoại cá nhân thì Minh bắt đầu làm quen với một không gian trực tuyến có tính cộng đồng hơn là forum (diễn đàn). Giai đoạn đầu thập niên 2000s cũng là những năm mà phong trào nghe rock ở Hà Nội đang ở giai đoạn cao trào. Hanoi Rock Club (HRC) và diễn đàn Rockvn là hai nơi cô gái này thường xuyên lui tới, lúc đó Minh khoảng 14-15 tuổi. Cô cho rằng, diễn đàn gần như là hình thái trí tuệ cộng đồng đầu tiên mà cô được tiếp xúc trong đời. Trên đó, bao nhiêu đàn anh đàn chị rockfan, những người đọc nát bét tiểu sử của các ban nhạc, của các rockers đã dịch ra tiếng Việt, đã ghi chép lại lịch sử rock Hà thành, Sài thành, Đà thành,… đưa lên. Nguyên văn, Minh nói: "Tớ nhớ mình đã đọc về những đêm nhạc tưởng niệm John Lennon người ta phải trèo tường vượt rào vào để nghe, để hát theo và để khóc. Rồi về quán The Big’s One hay còn lái thành Bích Xoăn một thời. Hay về Thành Đà Nẵng, về bố Tân Hàng Bạc dạy trống trong cái phòng bé xíu ở 60 Hàng Bạc. Diễn đàn này cũng là nơi năm Minh gặp mối tình đầu của mình. Lúc đó, Minh 15 tuổi, người yêu đầu tiên của cô sinh năm 87, lúc đó còn chưa bước sang 18. 
​
Hai người yêu nhau được 2 năm thì chia tay. 15 năm sau, tôi được biết đến Minh thông qua một mối tình của cô trên Tinder, chứ không phải là Yahoo nữa.
Picture
1. TINDER - Bà mối thời đại số?
Tạm dừng câu chuyện của Minh để nói về nhân vật mới xuất hiện là Tinder. Được phát hành vào tháng 9/2012, Tinder hiện đang được coi là một trong những ứng dụng hẹn hò trên điện thoại di động đầu tiên trên thế giới (Expander Rambling Statistics). Người dùng có thể tải Tinder miễn phí trên kho ứng dụng, đăng ký nhanh chóng bằng Facebook hoặc Spotify, sau đó chọn thiết kế hồ sơ cá nhân của riêng mình. Mỗi hồ sơ cá nhân gồm có: 
1/ Hình ảnh: người dùng có thể chọn tối đa 5 ảnh đại diện cho bản thân.
2/ Profile: tên, tuổi, nơi làm việc, trường học, định vị (khoảng cách giữa chủ nhân hồ sơ đó với người xem)
3/ About: tối đa 500 ký tự để nói bất cứ điều gì để thể hiện bản thân

Đồng sáng lập và giám đốc chiến lược của Tinder, Jonathan Badeen cho biết, từ ban đầu, anh có một “khao khát cháy bỏng muốn biến nó thành một trò chơi (Clifford 2017). Đó là lý do vì sao hồ sơ của người dùng hiện ra trên giao diện ứng dụng như những quân bài. Người dùng có thể xem hồ sơ của nhiều thành viên khác ở trong bán kính tối đa 160km. Nếu thích ai đó, người dùng vuốt sang phải hoặc nhấn nút trái tim, nếu không thì lướt sang trái hoặc chạm vào biểu tượng X. Nếu cùng “thích” nhau, Tinder sẽ kết nối và gửi thông báo tới cả hai người. Cho tới tận lúc này, người dùng mới được trao cơ hội đầu tiên để bắt đầu trò chuyện làm quen. (LeFebvre 2017). Tính đến quý I/2018, Tinder đã được download 100 triệu lần, có khoảng 50 triệu người dùng, trong đó có 10 triệu tài khoản active hàng ngày, ghi nhận 20 tỷ lần matches - khi 2 người cùng thích nhau. 

Có khá nhiều bài báo, nghiên cứu chỉ ra rằng, Tinder là nơi chủ yếu được sử dụng để tìm bạn tình, hook-up app. Tuy nhiên, mình và đồng nghiệp chưa tìm thấy bất cứ một nghiên cứu nào về người dùng Tinder ở Việt Nam. Những câu chuyện nghe từ bạn bè, những trải nghiệm cá nhân là lý do ban đầu khiến nhóm nghiên cứu muốn đi tìm hiểu xem cuối cùng thì ở đất nước mình, người ta đang tìm kiếm điều gì ở đây? Và cuối cùng thì, hẹn hò thời đại số có khác gì so với hẹn hò truyền thống hay không? Chúng ta rõ ràng đang có những phương tiện mới, vậy thì những phương tiện này có đang khiến hành vi yêu của chúng ta khác đi hay không? 

Bắt nguồn từ những cuộc nói chuyện qua lại như vậy, hai người chúng mình quyết định bắt tay vào làm một cái khảo sát nhỏ, thay vì ngồi võ đoán. Và thế là cuộc khảo sát phi chính thức và hoàn toàn độc lập này được thực hiện, ghi nhận câu trả lời của gần 371 người trong độ tuổi 18-30, trong đó 108 người nam, và 263 người nữ. Đây là nhóm đối tượng đang trong quá trình khám phá những hướng đi trong tình yêu, công việc, thế giới quan. Việc hình thành mối quan hệ thân mật được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất của lứa tuổi này (Erik Erikson 1968). Sau khi tiến hành khảo sát, chúng mình tiếp tục phỏng vấn sâu với 12/371 người dùng nói trên.

Trong nghiên cứu này, mình cùng với cộng sự cố gắng tìm hiểu về 3 giai đoạn trong hành vi hẹn hò thông qua Tinder của một người: 
- Lý do sử dụng
- Cách sử dụng
- Kết quả sử dụng​

​1.1. Một người tìm đến Tinder để...? 
Số liệu mà chúng mình thu thập được thông qua khảo sát được thể hiện ở bảng dưới đây:
Picture
Và nếu bạn quan tâm nhiều hơn những con số, thì dưới đây là một vài đoạn trích từ trong profile Tinder, hay từ trong các mẩu phỏng vấn chúng mình thực hiện với một số người dùng ứng dụng này: 
“All my friends got married so I need new coffee mates. Systematically messy.” - Minh (nam, 27 tuổi)
“I’m just very tired in real life.” - My (nữ, 26 tuổi) 
“Đại nghiệp chưa thành không nghĩ tới hồng nhan. Yêu thích kinh doanh ai cùng sở thích kết bạn nhé. Zalo: 0123xxxxxxx.” - Tuấn (nam, 28 tuổi)
“Đi tìm 1 FWB. Nhẹ thàng thôi, đủ để thêm sắc màu cho cuộc sống…”. - Hải (nam, 27 tuổi)
Nga (Nữ, 25 tuổi, Kế toán)
- Ai cũng cười em, vì em còn trinh.
- Bạn này kể cho em nghe về những mối tình thời đại học. Bạn ấy có 2 bạn gái và có sex với cả 2. Em nghĩ: - Trời ơi, tại sao lại thế nhỉ” rồi em hỏi, hỏi, hỏi…
- Bạn ấy kể cho em mấy cái "lên đỉnh” gì đó là như thế nào. Xong em phải bảo thôi, kinh quá!
- Sau đó quen hơn thì bạn ấy cũng dùng những từ ngữ nặng nề hơn (nặng như thế nào, cụ thể thì em không nhớ).

- Cuối cùng, bạn ấy bảo: “Nói chuyện với em rất là mệt, vì lên đây để không phải nghĩ mà cứ phải nghĩ.”

Một cách nào đó, tỉ lệ nam tìm bạn đời trong khảo sát cao hơn hẳn nữ, 26.9% so với 16%. Và tần suất những câu chuyện thu thập được trong quá trình phỏng vấn cũng như vậy: 
“Anh ý đang muốn cưới, đã khoe hết với họ hàng rồi. Tuần này sẽ đi gặp họ hàng anh ý đây. Em thì muốn 1-2 năm nữa. Nếu có đòi luôn thì em cũng sẽ bảo vậy. Để xem anh ý  muốn cưới mình hay thực ra là muốn cưới bất kỳ ai”. - Trâm (nữ, 23 tuổi)
“- Mẫu đàn ông của gia đình. Yêu rồi cưới chứ? Các bạn ko nên up ảnh fake, đi xem mặt 1 buổi sẽ mất thời gian của nhau thôi” - Hùng (nam, 29 tuổi).
“I want a simple love, understanding, sympathy and sharing. I want to love someone to build a happy family.” - Nhật (nam, 27 tuổi).
1.2. Đường tới lần gặp mặt đầu tiên 
Với duy nhất 3 nguồn dữ liệu trên profile Tinder: Hình ảnh, Profile và Lời giới thiệu, không khó để hình dung ra ngoại hình đóng một vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn quẹt phải - swipe right ai đó. Tỉ lệ này ở cả nam và nữ đều ở mức xấp xỉ 94%. Tuy vậy, có vẻ thông tin về background cá nhân trong profile thì quan trọng với nữ (66%) hơn là người dùng nam (32%).
“Tất nhiên, gái xinh sẽ được tha thứ tất cả. Không xinh nhưng thông minh thì có thể làm bạn” - H. (nam, 28 tuổi) 
Về mức độ chủ động, chỉ 5% người nữ chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện sau khi match. Con số này là nam là 39%. Hmmm... Vậy thì có lẽ đã có rất nhiều người dùng Tinder đã phải thất vọng vì chẳng có ai nói chuyện với mình bao giờ, dù match rất nhiều? Và ngay cả những người đã nói chuyện, tỉ lệ gặp mặt thực tế được đến bao nhiêu? Biểu đồ dưới đây biểu thị số liệu phản ánh khảo sát của chúng mình:
Picture
32% người dùng Tinder trả lời khảo sát của chúng mình chưa hề gặp Tinder Matches ngoài đời bao giờ. 29% đã gặp 1-2 lần. Con số này giảm dần, tỉ lệ nghịch với số Tinder Matches thực tế đã gặp. Điều gì khiến cho người dùng Tinder không tiến tới một cuộc trò chuyện trực tiếp với người mình đã swipe và đã match vậy?

Sex trong lần đầu gặp mặt? Bạn đoán tỉ lệ là bao nhiêu? 

Mặc dù theo bảng thống kê về lần đầu gặp mặt ở phía trên, tỉ lệ Thực tế & Kỳ vọng trông có vẻ khá khớp, thực tế không hoàn toàn như vậy. 
Buổi gặp đầu, tỷ lệ nữ thực tế có quan hệ tình dục (18.7%) là gấp đôi so với số câu trả lời có với kỳ vọng về quan hệ tình dục. Ở nam giới thì ngược lại, mong đợi 33.3% là cao hơn thực tế có thể thực hiện được là 23.2%. 

Cũng theo số liệu này, đối với buổi gặp mặt đầu tiên, tỷ lệ nam giới kỳ vọng có quan hệ tình dục cao hơn hẳn so với nữ giới (9.5%).  
85% người mong đợi có quan hệ tình dục ở buổi gặp đầu tiên là những người có từ 2 mối quan hệ tình cảm (thân mật) trở lên.

1.3. Gặp gỡ, rồi sao? 
45% là bạn bè, 19% tìm được tình yêu, 2% tìm thấy cơ hội công việc và 3% đã làm đám cưới. 31% còn lại rơi vào các mối quan hệ KHÁC. Rất tiếc, chúng mình đã chưa điều tra được, KHÁC có nghĩa là như thế nào? Tuy nhiên, dưới đây là trích lời một số ý kiến nói về ứng dụng hẹn hò trực tuyến này sau khi dùng nó:
“Tinder is like an international hook up station. That's why i don't use Tinder to find my happiness.” 
“Nói chung thấy khá funny nhưng cũng thấy hơi lạc hậu so với cộng đồng mạng Tinder :) vì chúng ta k thuộc về nhau nên mình gỡ Tinder rồi ;)"
“Mình đã kết hôn với 1 tinder match”.
“Mình sử dụng Tinder được vài tháng, mình cũng đã tìm thấy crush nhưng mọi chuyện không đi đến đâu do sau khi tìm hiểu lâu thì tụi mình nhận ra không hợp. Và mình cảm thấy may mắn khi tinder match của mình luôn là những người tử tế và mình đã tìm được một vài người bạn tốt ở đây.” 

Quay trở lại với nhân vật Minh, cô gái sinh năm 1990 được nhắc tới ở đầu bài. Minh chính là một trong số 3% người cuối cùng đã kết hôn với một Tinder match. Cuối cùng thì, mối tình đầu tiên của cô bắt nguồn từ trên mạng, và cuộc hôn nhân - hi vọng là cuối cùng, ai mà biết được - cũng vậy. Chỉ khác là, sau 15 năm, Forum đã tiến hoá thành Dating App.
Minh có kể, sau này, khi mở lại Tinder vì tò mò không biết những người mình từng match, từng nói chuyện và gặp gỡ giờ ra sao, họ còn lặn ngụp trên đó không, Minh phát hiện ra, có một bạn trai cùng tuổi, dù không gỡ Tinder, nhưng đã để phần mô tả trên profile là: “I found my girl. Goodbye, Tinder!”.

Mình đã định kết thúc bài viết này bằng câu chuyện có hậu của Minh. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại muốn kết thúc bằng bài hát này: ​
Guess it's true, I'm not good at a one- night stand. But I still need love 'cause I'm just a man. - Sam Smith
​

Dù bắt đầu quen biết một người ở đâu, dù bắt đầu một mối quan hệ như thế nào, cuối cùng, chỉ có mình mới biết mình muốn gì, cần gì thôi phải không? 

Và như câu nói mình nghe thấy nhiều nhất gần đây trong các đám cưới: "Đúng người, đúng thời điểm!" 
Chúc các bạn tìm thấy nhau! Nhất là trong mấy ngày đông lạnh nhất năm 2018 này!

Nguồn tham khảo: 
Bùi Trà My & Phương Hoài Nga, 2017. Ứng dụng Tinder và văn hoá hẹn hò mới của người trẻ đô thị Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu độc lập
Leah E. LeFebvre. 2017.  Swiping me off my feet: Explicating relationship initiation on Tinder, DOI: 10.1177/0265407517706419
Expander Rambling Statistics 2012 
Erik Erikson, 1963. Childhood and Society.
Comments

VÌ SAO TÔI CÙNG HỌC SINH LÀM VƯỜN?

23/9/2018

Comments

 
Năm nay là năm thứ hai tôi đưa lớp học của mình ra vườn trường để trồng cây. Thông thường thì giai đoạn này kéo dài khoảng hơn 1 tháng, tương đương 5-6 giờ đồng hồ. Thành quả thường là mỗi nhóm học sinh xử lý xong một mảnh vườn nhỏ, chủ yếu là vườn gia vị. 

Có một số lý do khiến tôi chọn đưa học sinh ra làm vườn, tuy không phải lớp nào cũng hội tụ đủ các lý do này:
#01: Học sinh thích ra khỏi không gian lớp học
#02: Vườn là một không gian kích thích nhiều giác quan cùng lúc: hứng nắng và gió sớm, chạm vào lá, chạm vào gỗ của cán dầm, đất - thậm chí cả phân và giun, ngắm cây ra lá mới, hít mùi cỏ, mùi đất, mùi phân, và cây gia vị cũng nằm trong chủ đích kích thích khứu giác của trẻ. Và tôi thì tin là những trải nghiệm đa giác quan thì tốt hơn cho sự phát triển của bất kỳ ai.
#03: Tôi quý tinh thần của chị Phương Anh - "gardenist" - người trực tiếp hướng dẫn tôi và học sinh, người quý từng hạt giống, từng cái rễ cây, từng hộp bã hoa quả ép tôi mang đến cho giun ăn, hay từng trảng cỏ, vỏ chuối mang đi ủ làm phân.
#04: Ở vườn có nhiều oxy sạch hơn trong lớp học

Ngoài những lý do kể trên, mới đây tôi cũng tìm được nhiều bài nghiên cứu khoa học chứng minh về tác động tích cực của việc cho trẻ làm vườn, trong đó có: 
#01: Mở rộng hiểu biết về hệ sinh thái 
#02: Cân nhắc lựa chọn khẩu phẩn rau xanh trong bữa ăn
#03: Hình thành thái độ tích cực và giá trị môi trường 
#04: Tương tác và "hợp tác" với các cá thể phi-con người
#05: Quan tâm tới những thay đổi của không gian địa phương nơi mình sống
#06: Thúc đẩy khả năng giao tiếp xã hội và hợp tác

Tất nhiên, nhìn thành quả có thể thấy sung sướng, nhưng quá trình thì đớn đau cực kỳ, vì không dễ chút nào để rủ học sinh làm vườn, và rồi khiến cho quá trình lao động đó diễn ra thật trọn vẹn, tử tế và hợp tác 100%. 

Dù thế, tôi vẫn mong sẽ được làm tiếp những dự án nhỏ như vậy.
.... 
​
Tóm lại, post này để khoe về xoáy gia vị mà 9E mới trồng, CLB vườn Trung học xếp xoáy, đắp đất, CLB vườn Tiểu học làm khách sạn côn trùng mời bọ đến. Vườn đang toạ lạc ở gốc cây bàng Đài Loan cạnh sân bóng đá (trường Olympia). Nếu anh chị em nào muốn ngắm - ngửi - nếm - chạm vào húng chanh, bạc hà, húng Ý, kinh giới, tía tô, diếp cá, nhọ nồi, gừng, và có thể cả nha đam và khoai sọ, thì mời ghé chơi.

--- 
Vài câu trích lại từ những nghiên cứu tôi mới đọc: 

Our interviews suggest that garden meaning is a complex ecology of idea, place and action. We found that when children become involved as gardeners or farmers rather than as passive observers of gardens, a deeper significance and meaning is established. Gardens that operated on all levels simultaneously—as idea, place and activity—can become sacred places. [Dorothy Blair (2009): The Child in the Garden: An Evaluative Review of the Benefits of School Gardening, The Journal of Environmental Education]

It is considered essential for children not to feel pressure to perform all the time in the #forest garden, but also to be allowed just to be, to observe, and to discover nature. In the forest garden project, these sorts of activities are concentrated in the afternoon. Specific activities of this kind involved observing flowers and insects. Discovery can also be included in morning activities in the mini-projects. Physical gardening work, such as digging the soil, can often involve discovery: “What can be found in the soil? Roots, stones, bugs, dead plants? What does the soil smell, feel and look like?”. Discovery is also seeing the beauty in the forest garden, which is “connected to craft activities and the forest garden as a source of craft material”. Discovery involves all the senses: taste, smell and touch, “like feeling a worm in one’s hand or picking edible berries”.
[Ellen Almers, Per Askerlund & Sofia Kjellström (2017): Why forest gardening for children? Swedish forest garden educators' ideas, purposes, and experiences, The Journal of Environmental Education]
Comments

[Event] TINDER: HẸN HÒ THỜI VUỐT CHẠM

20/7/2018

Comments

 
Picture
"Em quen mối tình đầu trên forum Rockvn, từ hồi năm 2004. 13 năm sau, là 2017 thì em lấy chồng. Em quen chồng em trên Tinder".

Năm 2013, trên một khảo sát mở trên ngoisao.net thu hút 1088 phiếu trả lời, 81% người dùng cho biết họ quen biết vợ/chồng mình trên mạng. Các mạng xã hội online đang ngày càng trở thành không gian kết nối chính của người Việt trẻ, liên quan đến cả công việc, bạn bè hay những mối quan hệ yêu đương. Trong khảo sát "Ứng dụng Tinder & văn hoá hẹn hò của người Việt trẻ" thực hiện một cách độc lập vào cuối năm 2017, 62% người trả lời khảo sát cho biết họ dùng Tinder để tìm kiếm tình yêu và gần 20% cụ thể đi tìm vợ hoặc chồng.

Trích lại các nghiên cứu về Tinder ở phương Tây, nhiều người cho rằng Tinder chủ yếu là nơi để tìm kiếm bạn tình, hơn là mối quan hệ nghiêm túc. Ở Việt Nam, nhận định này có chính xác? Nam và Nữ - ai đang đi tìm sex nhiều hơn? Ai đang kỳ vọng nhiều hơn ở một happy ending khi đến với Tinder? Đây là những câu hỏi sẽ được đưa ra thảo luận dựa trên con số khảo sát độc lập về hành vi sử dụng Tinder của người Việt trẻ. Một số trải nghiệm hẹn hò trên Tinder của những bạn trẻ tham gia phỏng vấn cũng sẽ được kể lại cho chúng ta nghe, ví dụ như thế này:

“Tất nhiên, gái xinh sẽ được tha thứ tất cả. Không xinh nhưng thông minh thì có thể làm bạn" - H., 28 tuổi, một người dùng Tinder nam.

SAKÉDEMY mời bạn cuối tuần này cùng tìm hiểu về một hiện tượng công nghệ đã thay đổi mãi mãi cách con người tìm thấy nhau trong đời, cùng với Thạc sĩ Bùi Trà My, đồng tác giả của nghiên cứu độc lập "Ứng dụng Tinder & văn hoá hẹn hò của người Việt trẻ".

Thời gian: 7PM - 9PM, thứ bảy, ngày 21/7/2018
Địa điểm: 1995 Bức Tường Story, 112 D1 - Trần Huy Liệu - Ba Đình.

––VỀ SPEAKER:
Bùi Trà My sinh năm 1990, tốt nghiệp ngành Phân tích & phê bình xã hội học văn hoá tại trường Goldsmiths, ĐH London. Với mối quan tâm tới văn hoá của người trẻ đô thị và truyền thông, Bùi Trà My đã thực hiện những nghiên cứu về vlogs, hình ảnh nữ giới trên tạp chí Việt Nam, tự do biểu đạt,...
Comments

"Ở giữa lưng chừng" | Urban Life

14/4/2018

Comments

 
Picture
"The image of humans floating in the constant changes of the society. I feel like we know where we are heading but we have yet to see the big picture that involves various other factors in our daily lives such as who we are as individuals, our lifestyles, our environment,..." - Thu Yến, HS lớp 11.
Fragment 01:

​Tôi vốn có một mối quan tâm đặc biệt với những vấn đề đô thị, có lẽ một phần bởi đã sinh ra và lớn lên ở khu vực Trung Hoà, vùng ngoại ô cũ được đô thị hoá thành trung tâm thành phố Hà Nội, mà bây giờ thuộc quận Cầu Giấy, còn trước đây thuộc huyện Từ Liêm.

Trong vòng 21 năm qua, tôi đã chứng kiến sự biến đổi không ngừng của khu vực này.

Tôi nhớ như in những sáng tinh mơ mùa nghỉ hè, đám trẻ con cùng cả người lớn trong làng đổ ra ĐƯỜNG MỚI, đổ bê tông, trải nhựa, cắt đôi hai nửa cánh đồng. Đường Mới đó chính là Trần Duy Hưng, một trong những dấu hiệu đô thị hoá đầu tiên của khu vực này, được xây dựng vào năm 2003 nhân dịp Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức SEAGAMES. Năm đó tôi 13 tuổi, vừa bắt đầu tuổi dậy thì và chớm sắp biết yêu.

Tôi cũng nhớ vài câu chuyện giữa những người lớn trong làng, về nhà này nhà kia vỡ nợ, bán đất trả tiền thua bạc cho con. Đây là những câu chuyện đánh dấu thời kỳ đổi đời của các hộ gia đình từ cuối làng ra thành mặt phố. Khi người ta đột ngột có tiền, có rất nhiều tiền, thì việc sử dụng nó như thế nào là cả một thách thức.

Tôi cũng đã ở đó, ngay cạnh bãi tha ma, trên mảnh ruộng dân làng Trung Hoà, khi người dân kéo nhau mang mọi loại cây có thể ra trồng, nhằm tăng tiền đền bù đất khi nhà nước quyết định giải toả cho dự án khu đô thị Nam Trung Yên bây giờ. Tới nay, nghĩa trang làng vẫn còn, nằm bên cạnh dự án công viên điều hoà trên đường Nguyễn Chánh, nhìn sang khu Home City. Tôi cũng chẳng còn biết, lối đi vào nghĩa trang đang nằm ở lối nào nữa!

Fragment 02:

Sáng hôm qua, tôi đưa 24 học sinh lớp Cultural Studies đi xem triển lãm ảnh "Ở giữa lưng chừng" của tác giả Duy Phong. Dưới đây là một vài đoạn trích từ những ghi chép phản chiếu của các bạn ấy:

"Triển lãm có những hình ảnh của công trình phá dỡ và xây mới, công trường xây ngổn ngang khắp nơi. Cảnh quan mới được hình thành và không gian đô thị được mở rộng,... Con không ngờ nó lại hay như thế. Con mong những chuyến đi này được tổ chức nữa". - Quỳnh Trang, HS lớp 10


"Những bức ảnh thường ngày của đô thị Việt Nam. Nó có thể kể về một mối quan hệ, về sự ô nhiễm, về xây dựng và tái xây dựng,... Con thích bức ảnh có đường đi bộ chia thành hai nửa sáng tối bởi vì nó giống như một ẩn dụ về đường biên giới giữa một phía tốt và một phía tệ. Có lẽ nếu có thêm những bức ảnh về người dân đang sống trong thành phố thì sẽ mang lại nhiều cảm xúc hơn". - Khánh Linh, HS lớp 10

"Cá nhân con thích những gì nguyên bản và tự nhiên nhất. Tuy nhiên ở đây con cũng thấy có sự hài hoà nhất định giữa cảnh bề bộ và đồng lúa trong không gian đô thị. Có lẽ đó đã là điều tất yếu nên con không còn thấy quá khó chịu và dần quen với nó". - Thảo Trang, HS lớp 11

"Cuộc sống này được bao quanh bởi những công trình đầy vội vã và chưa hoàn thành. Cảnh vật đang xây dựng dở, rác thải, phế thải cũng có thể đang xây dựng nên cuộc sống của người Hà Nội... Sau khi đi chuyến đi này, con thấy cuộc sống này có khá nhiều thứ mà con chưa thấy được và nó hiện dần ra một cách tự nhiên". - Hoàng Thăng Long, HS lớp 11.

"Con thích nhất bức ảnh những viên nước đá tan chảy trên đường. Nhìn tổng thể nó trông giống như những tế bào, biểu trưng cho cái cách chúng ta đang tạo ra những thứ mới: nhân bản và biến đổi". - Phạm Ngọc Minh Thư, HS lớp 10
Comments

INTERVENTION: TỪ BẢO TÀNG TỚI LỚP HỌC

29/8/2016

Comments

 
Gần đây, tôi đột nhiên nhận ra sự ảnh hưởng của các tác phẩm nghệ thuật có tính can thiệp (interventional) đối với cách thiết kế hoạt động của mình trong và ngoài lớp học. Có thể, câu chuyện chỉ đơn giản bởi cả tôi và những người nghệ sỹ đó đều cùng có một hướng tiếp cận với con người. Tuy nhiên, với cá nhân mình, tôi thực sự được truyền cảm hứng và đi đến những thử nghiệm này thông qua các chuyến đi thăm bảo tàng, các buổi triển lãm văn hoá nghệ thuật,…

​Nghệ thuật can thiệp được hiểu là những tác phẩm được thiết kế đặc biệt để tạo ra tương tác với không gian có sẵn. Tính “can thiệp” của tác phẩm khiến cho nó liên tục được tái sản (re-produced) và tái cảm thụ (re-appreciate) thông qua tương tác với những địa điểm khác nhau đó và với những nhóm khán giả khác nhau tới tham quan. Đây có lẽ chính là điều phấn khích nhất của cách tiếp cận này. Sự tham gia của khán giả, của người học luôn luôn là không định trước. Mỗi lần quan sát khách tham quan, mỗi lần đứng lớp là một điều bất ngờ.

Năm kia, cùng với cô Phương Hoài Nga, cán bộ tư vấn tâm lý của trường làm một dự án “intervention” với học sinh lớp 12 chuẩn bị ra trường: tạo ra một nhân vật chia sẻ hạnh phúc, niềm vui ở trong trường. Được truyền cảm hứng từ Bay Max và Happy Machine của Coca Cola, chúng tôi làm một mô hình hơi giống Bay Max. Mỗi giờ nghỉ trưa, một bạn học sinh lớp 12 lại chui vào và tặng cho các bạn học sinh bé hơn những món quà bất ngờ từ bên trong. Đã có những tò mò, đã có những cái ôm tình cảm, tất nhiên có cả những mục tiêu đơn giản chỉ là tới xếp hàng để được ăn kẹo.

Năm ngoái, khi lên lớp với học sinh lớp 7, tôi thực hiện một thử nghiệm với một trích đoạn Black Swan: Cho các nhóm học sinh khác nhau ngồi yên lặng nghe nhạc và tưởng tượng ra đủ điều và sau đó nói về sự khác biệt và đa dạng.
​
Hoặc năm nay, tôi đang dự định làm một thử nghiệm khác với học sinh lớp 9 trong môn Human in Digital Age, lấy cảm hứng từ tác phẩm These Associations của Tino Sehgal, tác phẩm đầu tiên mà tôi tiếp cận ở London trong Tate Modern và dự án Looking Refugees in the Eyes.

Chỉ còn 1 tuần nữa, học sinh sẽ bắt đầu tới trường. Tôi khá hào hứng với những ý tưởng "intervention" mới.

---
Một số triển lãm có tính tương tác tôi từng ghi chép lại:
1. The Whole Truth, Bảo tàng Do Thái (Berlin): http://www.buitramy.com/…/the-whole-truth-v-do-thi-khng-dot… 
2. Life and Death in Pompeii and Heraculeneum, Bảo tàng Anh (London): http://www.buitramy.com/…/s-sng-ci-cht-pompeii-v-herculaneu… 
3. Flat 34, KTX Goldsmiths, University of London: http://www.buitramy.com/ti…/bin-k-tc-x-thnh-trin-lm-tng-tc-m 
4. Laura Marks và Vài vụn suy nghĩ về văn hoá đa giác quan: http://www.buitramy.com/…/laura-marks-vi-vn-suy-ngh-v-vn-ho…
Picture
Ảnh: Tác phẩm của Michael Pederson (http://miguelmarquezoutside.com)
Comments

TÔI NÓI GÌ KHI NÓI VỀ EYE CONTACT

15/8/2016

Comments

 
Một tuần nay khi học sinh quay trở lại trường sau kì nghỉ hè kéo dài 1 tháng rưỡi, tôi đã có ít nhất 3 lần nói chuyện với các con về eye contact - thông hiểu bằng ánh mắt. Có lúc là trong nhóm advisors 9 học sinh, có lúc là với học sinh cả khối. Hôm nay, trước khi thực sự bước vào năm học mới, tôi lại một lần nữa được nói với các con về điều này. Và câu chuyện tôi chia sẻ với các con ngày hôm nay cũng lại được lấy cảm hứng từ chính những lần họp khối, họp trường tương tự: 

Mỗi lần đứng trước một nhóm học sinh dù ít dù nhiều, dù là một nhóm, một lớp hay cả khối, cả cấp, tôi nhận ra mình có xu hướng hướng đến ánh mắt của một số học sinh, một số đồng nghiệp nhất định. Có khi để tìm kiếm một cái gật đầu hưởng ứng, một nụ cười, một ánh mắt dịu dàng khích lệ. Hoặc cũng có khi là để được “nhắc bài”, rằng em đang đi đúng hướng rồi đấy, tiếp tục đi nào Mi. 

Những ánh nhìn, cử chỉ đó đã tiếp năng lượng cho tôi không biết bao nhiêu lần lên lớp, tập huấn,… Và hôm nay, tôi đã thật lòng chia sẻ nó với hơn 60 học sinh khối 9, khối tôi làm advisor. Rằng các con có biết mỗi lần cô đứng lên đây, cô đều có thói quen nhìn vào mắt cáo con để tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực toả ra. Rằng chính ánh nhìn của các con đối với cô mỗi lần chúng ta gặp nhau là một lần khích lệ người giáo viên 26 tuổi này. Rằng các cô các thầy đều mong muốn chính các con, dù là học sinh cùng nhóm advisor, cùng lớp, cùng khối hay cùng trường, hay đơn giản chỉ cần cùng là con người với con người, có thể bắt gặp ánh mắt của nhau ở bất kỳ nơi đâu và đều nhận được nguồn năng lượng tích cực, sự ấm áp chân thành đó để tự tin mà bước tiếp.

​Chủ đề năm học của trường chúng tôi năm nay là Partnership for the Goals - Hợp tác vì mục tiêu chung vì sự Phát triển bền vững. Vậy thì hãy cứ nhìn nhau bằng một ánh mắt ấm áp, khích lệ chẳng phải là một khởi đầu đơn giản, dễ chịu và hiệu quả nhất cho một năm với đầy “hợp tác” và đầy “mục tiêu chung" hay sao…
Comments
<<Previous

    English fragments

    www.buitramy.com © 2018

    RSS Feed


    Lưu trữ

    December 2018
    September 2018
    July 2018
    April 2018
    August 2016
    May 2016
    February 2016
    July 2015
    March 2015
    November 2014
    July 2014
    December 2013
    November 2013
    September 2013
    August 2013
    July 2013
    June 2013
    April 2013
    March 2013
    February 2013
    January 2013

    Đọc thêm

    # KIỂM DUYỆT BÁO CHÍ: Chọn tự do tích cực hay tự do tiêu cực
    # ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP: Doạ nhau sợ hay cùng nhau lớn khôn
    # Văn hoá đa giác quan
    # Triển lãm mở Flat 34
    # Mạng xã hội làm đần hoá việc phê bình?
    # Triển lãm Sự sống và Cái chết ở Pompeii và Herculenum: WE ARE OUR CHOICE
    # "THE WHOLE TRUTH": Về Do Thái & Không Do Thái 
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • Home
  • About My
  • Work
    • News Literacy / Đọc báo tỉnh táo
  • Fragments
    • Tiếng Việt
    • English
  • Teaching Diaries