Khoảng vài tháng trở lại đây, mình thường xuyên share một số nội dung trong quốc sách The Birth of Korean Cool: How one nation is conquering the world through pop culture (Euny Hong, 2014), thậm chí cưỡng ép bạn bè đọc bằng cách gửi ebook dù chẳng ai đòi. Đây là một trong số ít những cuốn sách gần đây mình cầm lên đọc một mạch tới dòng cuối cùng không đặt xuống. Đây cũng là một trong số rất ít những cuốn sách mà vừa đọc vừa nghĩ phải dịch nó ra tiếng Việt càng sớm càng tốt vì nhiều lý do. Trong quá trình đọc, mình cũng rất khó tránh khỏi liên tục liên nối nội dung của cuốn sách tới Việt Nam.
* Dưới đây là phần mình trích dịch chương Mở đầu của cuốn sách, phần nào đưa ra tổng quan chung về chiến lược phát triển đất nước thông qua văn hoá phổ thông của Hàn Quốc. * Còn trong link này là đoạn trích dịch chương 4, một chương cũng cực kỳ hay, nói về tính cách làm nên số phận của người Hàn Quốc, do PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại Thương) chia sẻ. https://www.facebook.com/notes/nguyen-hoang-anh/t%C3%ADnh-cách-quyết-định-số-phận-sự-phẫn-hận-của-người-hàn/10153243962018254?pnref=lhc Mục lục: 1. Before Cool 2. The birth of Irony 3. The Dying Art of School Thrashings 4. Character is Destiny: The Wrath of Han 5. Kimchi and the Cabbage Inferiority Complex 6. Why Pop Culture? Or, Failure is the breakfast of champions 7. When Korean banned Rock ’n’ Roll 8. The Lean, Mean, Star-making K-pop Machine 9. Northern Girls, Southern Boys 10. K-Drama: Television and the Origin of Hallyu 11. K-Cinema: The Journey from Crap to Cannes 12. Haley: The shot heard round the world 13. Korea’s Secret Weapon: Video Games 14. Samsung: The Company formerly known as Samsuck 15. The Ministry of Future Creation --- ![]() MỞ ĐẦU Trước năm 1985, Hàn Quốc không hề cool. ... Tất nhiên, giờ đây, Hàn Quốc đã giàu có và có một tương lai rộng mở. Quá dễ để một ai đó quên mất rằng, vừa mới năm 1965, GDP của Hàn Quốc còn kém cả Ghana, thậm chí thấp hơn Bắc Triều Tiên. Ngay cả vào những năm 1970s, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn còn đang chạy đua kiểu kẻ tám lạng, người nửa cân. Ngày nay, Hàn Quốc đã đứng thứ 15 trên thế giới về kinh tế và Seoul thì giống một thành phố công nghệ mà Arthur C. Clarke đã vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết 2001: A Space Odyssey. Họ còn đang lên kế hoạch xây dựng một toà nhà chọc trời vô hình bằng cách sử dụng camera và đèn led để tạo ra hiệu ứng ảo ảnh khiến mọi người tưởng toà nhà không nằm ở đó. Mỗi toa tàu điện ngầm đều có hai máy phát wifi và người dân có thể xem chương trình ti vi buổi sáng trên chiếc Samsung Galaxy của họ, nhờ vào đường truyền internet cực cao không bao giờ bị nhiễu sóng cho dù đi qua đường hầm xuyên núi hay dưới nước. Hàn Quốc đang được cho là một trong những câu chuyện thần kỳ về kinh tế trong thời hiện đại. Điều mà hầu hết cả thế giới đều chưa biết - hay biết mà đã quên đi - là thời kỳ đau đớn giữa những ngày đói nghèo với những ngày giàu sang. Trong vòng chỉ một vài thập kỷ, Hàn Quốc đã trải qua nhiều sự thay đổi mà hầu hết một đất nước thịnh vượng nào cũng mất ít nhất vài trăm năm để đạt được: xã hội ngày càng cấp tiến như được trải qua cuộc cách mạng Pháp và kinh tế thay đổi như thể có được nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp. Cầu, nhà cao tầng và đường xa lộ như từ hư không hiện ra, nó gần giống như xem một đoạn video đứt quãng. Trong khi đó, mọi người cũng bắt đầu lớn tiếng đòi quyền lợi cho mình: phụ nữ, sinh viên, nhóm người mới giàu, nhóm quý tộc cũ, người lao động, viên chức cổ trắng. Đó là một thời điểm hỗn loạn và chối tai để sống ở Seoul, nhưng cũng đồng thời là một dấu mốc kỳ diệu. Một số người, trong đó có tôi, thậm chí còn có thể tự kiêu mà nói rằng họ nhìn thấy Rome được xây nên chỉ sau một ngày. Nhiều quốc gia khác đã đi từ những nghèo nàn rẻ rách đến sự giàu có trong thế kỷ trước. Tuy nhiên trong số ấy, chỉ có Hàn Quốc là dám tính toán để trở thành nước xuất khẩu văn hoá phổ thông (popular culture) hàng đầu thế giới. Phim truyền hình, nhạc, phim, trò chơi điện tử và đồ ăn nhanh Hàn Quốc đã kịp thống trị toàn bộ diện mạo văn hoá châu Á. Trên thực tế, họ đã trở thành người tạo xu hướng, kẻ quyết định thị hiếu cho châu Á trong hơn mười năm qua, và sự bành trướng sang các nước phương Tây của Hàn Quốc là khó thể chối cãi. Có thể bạn không nhận ra, nhưng đó là điều có thực. Ví dụ, nếu bạn dùng điện thoại iPhone, thì chính microchip của nó lại được sản xuất bởi đối thủ mạnh nhất của Apple - công ty điện tử Hàn Quốc Samsung. Làn sóng văn hoá phổ thông Hàn Quốc được gọi tên là “Hallyu”. Bạn nên nhớ lấy nó, bởi rồi đây bạn sẽ nhìn thấy nó rất nhiều. Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã nhắc tới làn sóng này trong một chuyến viếng thăm Hàn Quốc vào tháng 3/2012 khi đề cập tới các đổi mới về văn hoá phổ thông và cải tiến kĩ thuật của quốc gia. Ông nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, rất nhiều người trên thế giới đã bắt nhịp với làn sóng Hàn Quốc - Hallyu”. Không hề là nói quá khi bảo rằng Hallyu là hệ hình văn hoá lớn và nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Làm thế nào mà Hàn Quốc có thể tiến lên nhanh như vậy? Vào năm 1994, khi Mỹ và Anh còn đang đấm đá, hò hét trong cuộc đấu tranh chống lại việc chuyển đổi từ TV analog sang truyền hình kỹ thuật số thì Hàn Quốc đã bận rộn thiết lập kết nối internet băng thông rộng trên toàn quốc từ ngân sách nhà nước, coi nó giống như những dự án xây dựng hệ thống đường cao tốc hay đường tàu quốc gia. Phương tiện truyền thông mới này đem đến cho Hàn Quốc tất cả những gì mà trước đây họ không có: tự do, đa ngôn ngữ, bỏ qua trật tự đẳng cấp tôn ti, không đóng hộp trong ba mặt nước biển và một mặt đất liền phía Bắc hung hăng toàn trị, và sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho các ấn phẩm không kiểm duyệt và rất có thể mang nhiều màu sắc nổi loạn. Cởi mở và phóng khoáng không phải là đức tính truyền đời của người Hàn Quốc: những nhà thám hiểm phương Tây từ thời thế kỷ 19 đã gọi vùng đất này là Vương quốc của những kẻ tu hành khổ hạnh. Tuy nhiên, thứ hấp dẫn quốc gia này không phải là những "kiện hàng" ngoại đó mà là điều quan trọng là Hàn Quốc sẽ đem thứ gì ra thế giới. Liệu lúc đó người Hàn Quốc có biết rằng Gangnam Style rồi sẽ trở thành bài hát đưa Hàn Quốc lên bản đồ thế giới? Tất nhiên là không. Nhưng họ biết ngày này rồi sẽ đến. Họ đã chuẩn bị và bố trí cả một cơ chế thống trị bằng văn hoá phổ thông kể từ thuở khai sinh của World Wide Web vào thập kỷ 1990s. Ai đó có thể đặt câu hỏi, vì sao lại tập trung vào văn hoá phổ thông khi mà lĩnh vực này gần như là lãnh địa của nước Mỹ suốt cả một thế kỷ qua. Bởi vì Hàn Quốc đang phát triển sức mạnh mềm của mình. “Sức mạnh mềm”, một thuật ngữ do Joseph Nye, một nhà khoa học chính trị Havard, đưa ra vào thập niên 1990s, là sức mạnh vô hình được xây dựng nên từ hình ảnh của một quốc gia thay vì từ vũ lực. Khác với sức mạnh cứng là tiềm lực quân đội hay áp đặt kinh tế, sức mạnh mềm là cách mà Hoa Kỳ đã từng sử dụng để thuyết phục cả thế giới mua thuốc lá Marlboro Reds hay quần bò Levi’s: bằng cách gieo rắc những hình ảnh đáng khao khát. Bằng cách gieo rắc sự cool của mình. Không phải công nghệ xe tăng Mỹ hay buổi biểu diễn cơ bắp hoành tráng chiếm đóng đảo Grenada khiến cho bọn trẻ ở vùng cộng sản Yugoslavia muốn dành dụm hai tháng tiền tiêu cho một cái quần bò Levi’s 501 ngoài chợ đen. Mà đó chính là [nam diễn viên] James Dean.[1] Giờ đây, Hàn Quốc đang muốn có được thứ dấu ấn văn hoá này - thậm chí là ở cả phương Tây - nhưng nó không phụ thuộc vào Gangnam Style hay K-pop. Tôi không nghĩ rằng người Hàn Quốc, nếu họ thực sự thành thật, tin rằng âm nhạc của họ sẽ thống lĩnh thị trường của Mỹ hay Tây Âu. Thay vào đó, kế hoạch là khiến cho thị trường thế giới thứ ba, dù vẫn còn ngái ngủ nhưng lại cực kỳ quan trọng như Đông Âu, các quốc gia Ả Rập và sắp tới là châu Phi, quắc câu vào văn hoá phổ thông Hàn Quốc. Cơn nghiện đã bắt đầu. Tại Iran, bộ phim truyền hình cổ trang Báu vật hoàng cung phổ biến tới nỗi người Iran bắt đầu sắp xếp giờ ăn của mình để không ảnh hưởng tới lịch phim phát sóng. Giờ đây, những nước thuộc thế giới thứ ba còn quá nghèo để nhận được sự quan tâm của các quốc gia phương Tây. Đây là nơi mà Hàn Quốc có đặc quyền và lợi thế duy nhất: không có một quốc gia thống trị văn hoá toàn cầu nào cũng từng là một nước thuộc thế giới thứ ba. Vì thế, Hàn Quốc hiểu rõ từng giai đoạn phát triển của những thị trường này; họ đã cẩn thận nghiên cứu văn hoá từng nơi để xác định rõ thể loại văn hoá Hàn Quốc nào sẽ được ưa chuộng nhất ở đó. Và các nhà kinh tế Hàn Quốc đã làm việc cật lực để đo đếm điểm rơi mà một quốc gia bắt đầu có tiền và tăng khả năng tiêu thụ hàng hoá. Bạn có thể cá rằng một khi công dân các nước này có đủ khả năng mua điện thoại di động và máy giặt, họ sẽ mua các nhãn hiệu của Hàn Quốc. Vì sao? Bởi vì họ đã bị quắc cần câu vào thương hiệu Hàn Quốc từ trước đó rồi. Nếu điều này nghe hơi giống một chiến dịch quốc gia, thì đó là bởi nó thực sự là một chiến dịch như vậy. Chính phủ Hàn Quốc đã đặt làn sóng Hàn Quốc ở vị trí số một trong ưu tiên quốc gia. Hàn Quốc có rất nhiều kế hoạch năm năm, thứ mà các nước dân chủ và tư bản hầu như không nhìn thấy bao giờ. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc truyền bá văn hoá Hàn Quốc trên toàn cầu phụ thuộc vào độ phủ sóng của Internet, vì thế Internet được nhà nước Hàn Quốc trợ cấp tới cả những hộ dân nghèo nhất, tới người già và nhóm khuyết tật. Gần đây, chính phủ cũng tiến hành lắp đặt hệ thống kết nối tốc độ 1Gb/giây cho tất cả hộ gia đình - cao hơn 200 lần so với tốc độ trung bình ở Mỹ. Hàn Quốc đã học được một bài học từ cuộc tái thiết sau cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên (1950-1953) rằng nếu bạn định thay đổi thì cần phải thay đổi thật mạnh mẽ, thật nhanh và phải hướng đến tất cả mọi người. Email chẳng có giá trị gì nếu chỉ có một số người sở hữu nó. Và không phải chỉ có mỗi chính phủ Hàn Quốc mới có kế hoạch năm năm; các công ty tư nhân nước này cũng có. Một hãng thu âm Hàn Quốc sẽ dành năm tới bảy năm để chăm chút chuẩn bị cho một ngôi sao K-pop tương lai. Đây là lý do vì sao một số nghệ sỹ Hàn Quốc kí những bản giao kèo 13 năm ràng buộc họ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nửa đầu dành cho đào tạo tập luyện, và công ty không thể thu lại được những gì họ bỏ ra trừ phi người nghệ sỹ tiếp tục phát triển sau thời kỳ trứng nước. Nền kinh tế Hàn Quốc là một nghịch lý: nó chắc chắn là nền kinh tế tư bản, tuy nhiên cùng lúc, theo một cách nào đó, lại vẫn là mô hình kinh tế mệnh lệnh. Từ những ngày đầu độc lập khỏi nhà cầm quyền Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II, chính phủ Hàn Quốc đã can thiệp vào khu vực tư nhân. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống internet chất lượng cao, Hàn Quốc còn là một trong những nước có nguồn tiền chính phủ dồi dào đầu tư cho các nhóm khởi nghiệp (start-ups). Năm 2012, nguồn quỹ từ chính phủ chiếm 25% tổng vốn đầu tư ở Hàn Quốc. Một phần ba vốn đầu tư ở nước này dành cho ngành công nghiệp giải trí - nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Một kế hoạch năm năm khác là năm 2009. hi ngành công nghiệp thu âm Hàn Quốc bị sụt giảm doanh thu do hiện tượng download không bản quyền, chính phủ đã chi 91 tỷ USD để cứu lấy K-pop. Kế hoạch bao gồm xây dựng một trung tâm K-pop với rạp hát 3000 chỗ và chỉnh đốn các dịch vụ karaoke (noraebangs) để đảm bảo họ trả tiền bản quyền cho các bài hát trong hệ thống. Hầu hết các quốc gia khác sẽ không bao giờ chấp nhận dùng tiền công để thanh tra [bản quyền] các phòng karaoke. Ý tưởng nực cười này có lẽ chỉ có thể tồn tại ở Hàn Quốc. Hàn Quốc đã quyết định thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Hàn Quốc, giống như thế kỷ 20 là của nước Mỹ. Sẽ không bao giờ là đủ nếu Hàn Quốc chỉ sản xuất ô tô và dụng cụ bán dẫn, nó cần phải cool nữa. Tất nhiên, Hàn Quốc đang làm thay đổi quan niệm phổ biến cho rằng càng nỗ lực để cool chỉ làm bạn uncool mà thôi. Có lẽ người thể hiện rõ nhất được tham vọng và sự to gan lớn mật của Hàn Quốc là ông trùm âm nhạc Jin-young Park (giám đốc hãng thu âm JYP). Khi một nhà sản xuất âm nhạc phương Tây hỏi “Anh đến từ đâu?”, anh ta trả lời đầy khó hiểu: “Tôi đến từ tương lai”. CHÀO MỪNG TỚI HÀN QUỐC. CHÀO MỪNG TỚI TƯƠNG LAI." [1] James Byron Dean (1931 – 1955) là nam diễn viên người Mỹ, biểu tượng văn hoá của thanh thiếu niên nước này với những hình ảnh đập tan ảo mộng và sự ly gián xã hội. Một trong những bộ phim thể hiện rõ nhất tư tưởng này của James Dean là Rebel Without a Cause (1955). Thank to Dr. Masato Kajimoto and FPT University, a news literacy workshop focusing on the case of Umbrella Movement in Hong Kong has been successfully delivered on 8th November 2014. We have welcomed respectively 70 participants with various background including journalists, university lecturers, researchers and students.
BELOWS ARE FEW KEYNOTES & EXAMPLES EXCERPTED FROM DR. MASATO KAJIMOTO'S PRESENTATION
Updated on 26 Nov 2014 A group of Hanoi-based artists have transformed their creative space so their artistic dreams may continue. Story: My Bui | Photos: Nam Lu The closure of the artistic area in Hanoi known as Zone 9 earlier this year presented a shaky future for a number of creative enterprises such as Nha San Collectives, Consignista, Work Room Four, Enci Library, and others. Few have found a new home and finances to start over, while others have accepted that the end has come. The young people in Nha San Collectives are better placed to speak about this than others since it is not the first tome they have been downtrodden yet risen again. Located in Vinh Phuc Street for over a decade, Nha San was the first space for young people to experiment with their own creative efforts. Some of them including Truong Tan, Tran Luong, Phuong Linh and Phu Luc, have become significant artists in Vietnam’s contemporary art scene. For many reasons, however, the experimental art space was shut down in 2010. The younger generation of Nha San artists then moved to Zone 9, under the Nha San Collectives name. Unfortunately, after just six months, Nha San Collectives and other artists were forced to relocate following a few incidents. Several artists then teamed up with some new faces and started over in the place where they were born: Nha San Studio. They recently decided to transform the old Nha San into a café, after its 15 year-old birthday party in January. The multifunctional Nha San Studio is the mixture of a private art studio, an open creative hub, and a café. Romantic vs Realistic At first glance it may appear that the transformation of a private house and art studio into a café is simply a romantic notion. But their motivation was way more realistic and practical. “Nhà Sàn was a non profit - artist led art space for experimental art based at the private home of artist Nguyen Manh Duc”, said Phuong Linh, a creative leader at Nha San. “The original space was only half size of what it is now, but Manh Duc persuaded the neighbours to lease out their extensive land, which he has been renting out for the last 15 years. With the economy the way it is, we need to figure out other ways to keep the space going”. The good thing about opening a café at this spot is that there is no rent to pay and the facilities are already in place, with the group having used their own human and cultural capitals. Originally, Nha San was more popular among the artistic and creative community than the general public. Some came because they knew Manh Duc or Phuong Linh, whole others came for the experimental pieces of art or possibly for mere curiousity. This unintentionally created a boundary surrounding Nha San, which separated its space and people from the wider public and authorities. Manh Duc once address this by informing the goverment administration and inviting them to join the exhibitions. Nha San Collectives in Zone 9 has come slightly closer to the audience via social media. Now, at Nha San Café, they aim for a significant change. The private house has become a public space. The art studio is now integrated into a coffee shop open to anyone who is craving a cup of Vietnamese coffee and a view of contemporary Vietnamese art. As Lu, a young and stylish artist and also manager of Nha San Café said: “Most of the people who came to the cafe are young, and we hope that we can approach a wider audience here.” Nostalgia & The Art
Over the last few years, nostagia and eco-friendliness have become popular concepts at new coffeeshops in both Hanoi and HCMC. Owners favour decorating their space with replica antiques and eco-friendly materials such as old cassettes, table fans, typewriters, stained interiors, and others. Nha San Café has a nostalgic and natural feel but is totally different from others. While new coffeeshops work hard to adopt such a style, at Nha San Café it comes naturally. “When we open the coffee shop, we use all of the furniture that were always there, which belonged to Manh Duc,” said Phuong Linh “ So there was no need to buy any decorative items”. As some may known, Nha San’s owner is an antique collector and all the decorative items have been accumulated over many years. After 15 years as an art studio and occupied by all kinds of artists since 1994, the space has its own inimitable atmosphere. Khieu Anh, a 19-year-old Hanoian who is a frequent visitor to the café, spoke of its tranquility and greenery, which function as natural climate control during the summer. Its authentic nostalgia is one ò many things that makes Nha San Café stand out among other coffeeshops in town. The place is a regular venue for talks, seminars and musical performances regarding art and culture. Since the late 1990s Nha San Studio has held educational workshops and talks, such as Asian Window (Art Network Asia), Open Academy (in partnership with Goethe Institute) and others with international artists. These activities used to be small-scale and private until the opening of the Nha San Collective in Zone 9 and subsequently, Nha San Café. Phuong Linh, the creative leader of the group, said their ambition is to hold more discussions and seminars for the general public. While the reputation of the owners and available materials holds them in good stead, Nha San Café may have to work hard on broadening its audience, stimulating and encouraging the general public to engage in the artistic space, which hasn’t been the case in the past. For its nostalgic authenticity and cool people, though, Nha San Café is definitely a place worth checking out. “Taste classifies and it classifies the classifier”, Bourdieu 1984
Là một trong những nhà xã hội học và học giả đại chúng quan trọng của Pháp, Pierre Bourdieu nổi tiếng với các cuộc tranh luận chính trị đương thời cùng nhiều nghiên cứu kết hợp cả lý thuyết và thực hành về quyền lực tượng trưng, vốn văn hoá, vốn xã hội và sự thống trị của nam giới. Bourdieu cũng đặc biệt quan tâm đến tính xã hội của văn hoá nghệ thuật, một trong những cuốn sách quan trọng của ông về lĩnh vực này là Distinction: A Social Critique of the Judgment of Taste (1984), phân tích sự phân biệt thị hiếu/khiếu thẩm mỹ dựa vào nền tảng văn hoá, xã hội, xuất thân gia đình, … Trong khuôn khổ hạn hẹp, bài viết này sẽ đề cập sơ lược đến 1. thị hiếu, 2. phân biệt thị hiếu và phân tầng xã hội trong mối quan hệ với vốn kinh tế và vốn văn hoá. 1. Đầu tiên, về khái niệm thị hiếu, cả từ điển Bách khoa toàn thư khoa học xã hội và hành vi và Bourdieu trong Distinction đều mượn hai chữ differentiate và appreciate của Kant để định nghĩa: Thị hiếu là năng lực phân biệt và cảm thụ các tác phẩm văn hoá nghệ thuật cũng như các đánh giá về chúng (Bourdieu 1984: 466). Thị hiếu không phải một thuộc tính, cũng không phải tài sản tự nhiên của con người mà là một hệ thống hành vi được hình thành thông qua trải nghiệm. Bởi không một ai trên thế giới này có những trải nghiệm giống hệt nhau suốt cuộc đời nên thị hiếu là vô cùng đa dạng giữa các cá nhân, và giữa các nhóm người khác nhau. Thị hiếu của mỗi cá nhân là năng lực của anh ta để đánh giá xem cái gì xấu / đẹp, tốt / dở,… Bởi vậy, ở một chừng mực nào đó, thị hiếu khó tránh khỏi bị đánh giá trên tiêu chuẩn nhị phân (Jenkins 1992: 105). Câu hỏi đặt ra là thị hiếu nào được cho là tốt, thị hiếu nào được cho là dở? Trên lý thuyết, chúng ta có thể hoàn toàn tránh được câu hỏi này bằng cách dựa vào chủ nghĩa tương đối. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thị hiếu là một hệ hành vi, hành động dẫn tới những hiệu quả xã hội có thực, mỗi cá nhân với tư cách là một phần tử xã hội thông thường phải lựa chọn đánh giá thẩm mỹ nào là hay, thẩm mỹ nào là dở và đặt mình vào một “phe” thị hiếu. Theo quan điểm mỹ học của Kant, không có một chuẩn mực nào để đánh giá đâu là thị hiếu tốt, thị hiếu dở, không có chuyện thị hiếu được chuẩn hoá bằng một số đông hay một nhóm quyền lực nào trong xã hội. Theo Kant, thị hiếu tốt là có tồn tại, nhưng nó dựa trên những cảm xúc chủ quan không thể nào khái quát hoá được. Đứng từ một điểm nhìn khác - điểm nhìn xã hội học, Bourdieu trong Distinction lại cho rằng, thị hiếu và sự đánh giá về thị hiếu của chúng ta hiện nay được phân biệt dựa trên nguồn gốc tầng lớp xã hội của mỗi cá nhân. Ông phân tích, thứ thị hiếu được chúng ta công nhận chính là sản phẩm thị hiếu của tầng lớp thống trị. Nói một cách khác, khiếu thẩm mỹ của xã hội nói chung đã và đang bị chi phối bởi nhóm công dân tinh hoa cao cấp. 2. Cụ thể, kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Bourdieu trên 1,217 đối tượng đã chỉ ra rằng, thị hiếu được phân biệt dựa trên nguồn gốc xã hội và nền tảng văn hóa – giáo dục. Và chính sự phân biệt thị hiếu này đồng thời lại làm nảy sinh một sự phân tầng xã hội mới, dựa trên chuẩn đánh giá khiếu thẩm mỹ. Đây cũng chính là hai pha trong chu trình phân biệt thị hiếu và phân tầng xã hội đã được nhắc tới ngay từ đầu. Ở pha thứ nhất, nguồn gốc xã hội xác định thị hiếu cá nhân có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với những tiêu chuẩn trong xã hội mà người đó sống. Việc phân biệt thị hiếu này đồng thời cũng phân loại các cá nhân vào những tầng lớp khác nhau và làm rộng thêm khoảng cách giữa nhóm cao cấp, trung lưu và nhóm lao động bình dân. Theo Bourdieu (1984), khái niệm nguồn gốc xã hội này không chỉ dựa trên vốn kinh tế (economic capital), mà còn dựa vào nền tảng tri thức, vốn văn hoá (cultural capital) của gia đình nơi đứa trẻ sinh ra. Một ví dụ trong nghiên cứu của Bourdieu được đề cập đến là, trong trường học phổ thông, một học sinh có gia cảnh tốt thường nhận được những đánh giá tích cực hơn bởi khả năng tiếp thu kiến thức ưu trội, hoặc có thể nhắc đến sự khác nhau trong việc lựa chọn món ăn giữa nhóm học sinh nhà giàu, trung lưu và nhóm học sinh bình dân có mức sống thấp hơn. Những đứa trẻ nghèo hơn thường có xu hướng chọn khẩu phần ăn đầy đặn để no, trong khi những đứa trẻ giàu có lại chọn những món vừa đủ dinh dưỡng vừa kiểu cách hợp thời. Ví dụ về nhu cầu ăn uống cơ bản này của con người cũng chính là chỉ thị điển hình của việc phân tầng thị hiếu / xã hội bởi xu hướng tiêu dùng trong đó dường như cũng trùng khớp với vị trí của mỗi cá nhân trong xã hội mà anh ta thuộc về. Tóm lại, nguồn gốc xã hội là một yếu tố quan trọng quyết định vị trí thị hiếu của mỗi cá nhân (Bourdieu 1984: 184). Ở pha thứ hai, hiện tượng xã hội nói trên cũng đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm có thị hiếu, căn tính và lối sống tương đồng hình thành các nhóm xã hội mới. Trong trường hợp này, thị hiếu được trưng hiện ra nhằm mục đích xác định xem ai giống mình thì được vào nhóm, ai khác mình thì bị đẩy ra ngoài. Văn hoá thị hiếu này đánh dấu một điểm quan trọng trong việc lựa chọn căn tính cá nhân và hình thành các lớp lang văn hoá. Sự phân biệt cá nhân rồi sẽ phát triển thành sự phân biệt nhóm, và cuối cùng hình thành các tầng lớp văn hoá xã hội, có thể ở giữa các thành phố, giữa các xã hội hay giữa các dân tộc khác nhau. 3. Không chỉ thể hiện ở văn hoá đời sống hàng ngày, sự phân tầng này còn thể hiện trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật cao cấp hơn. Trong biểu đồ nghiên cứu của Bourdieu, các số liệu cho thấy: nhóm trung lưu và nhóm cao cấp có tần suất đi bảo tàng, gallery nghệ thuật, thưởng thức mỹ thuật nhiều hơn hẳn so với nhóm lao động bình dân. Trong khi đó, các loại hình văn hoá đại chúng như điện ảnh thường thức, nhiếp ảnh, DIY lại chủ yếu nhận được sự ưa chuộng từ nhóm người lao động. Việc thị hiếu gắn với điều kiện kinh tế, văn hoá và tầng lớp xã hội vô hình chung khiến cho những loại hình nghệ thuật của giới tri thức tinh hoa như nhạc giao hưởng châu Âu, mỹ thuật trở thành trung tâm, chuẩn mực của thế giới. Một ví dụ điển hình của hiện tượng này là việc các phụ huynh trung lưu châu Á thường có xu hướng cho con cái đi học nhạc cụ cổ điển phương Tây (piano, guitar, violon) hơn là những nhạc cụ dân tộc, học vẽ sử dụng hoạ cụ phương Tây nhiều hơn là phương Đông. Trong văn hoá đại chúng và văn hoá tiêu dùng, điều này được tận dụng tương đối triệt để, tác động vào tâm lý hướng thượng của tầng lớp trung lưu (upper & lower middle class) cũng là nhóm dân số chiếm phần đông có tiềm năng tiêu dùng các sản phẩm văn hoá mạnh mẽ trong xã hội. Tài liệu tham khảo: Bourdieu, P. 1984. Distiction: A Social Critique of the Judgment of Taste. USA: Havard Bourdieu, P. 1991. The Love of Art: European art museum and their public. CA: University of Stanford Featherstone, M. 1991. Consumer Culture and Postmodernism. London: Sage Jenkins, R. 1992. Key Sociologist: Pierre Bourdieu. London: Routledge Hartley, J. 2002. Media and Cultural Studies: The Key Concepts. London: Routledge Hennion, A. 2007. Those things that hold us together: Taste and Sociology, in Cultural Sociology. London: Sage * Đăng trên Tạp chí Mỹ Thuật & Nhiếp Ảnh số ra tháng 11/2013 Cách đây không lâu trên Diễn Ngôn đăng tải bài viết “Khi báo chí tự tước bỏ quyền lực của mình” của tác giả Hoàng Hường. Trong đó, tác giả phê bình nền báo chí Việt Nam hiện nay kém nhanh nhạy, đuối hơi và chậm chạm. Đồng thời, tác giả cũng nhắc tới Myanmar như một ví dụ so sánh về thay đổi cơ chế quản lý báo chí, tạo ra nhiều sự thay đổi tích cực: "Nhìn sang một nước láng giềng: Myanmar đang thay đổi rất mạnh mẽ, một trong những điều thay đổi đó là việc đậy nắp bút của người kiểm duyệt báo chí vì “độc giả chính là người kiểm duyệt tốt nhất”.
Cổ vũ cho tự do báo chí, theo quan điểm cá nhân tôi, là một việc tất yếu nên làm để cung cấp những thông tin đa chiều nhất, gần với sự thật nhất cho công chúng. Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại là tự do không phải là một thuật ngữ đồng nhất được sử dụng giống nhau ở mọi nơi. Trên thế giới, không có một nền báo chí nào tự nhận mình là không tự do cả. Dù vậy, khái niệm này được mỗi quốc gia, mỗi nền chính trị diễn giải theo một cách khác nhau để phù hợp với học thuyết truyền thông mà mình lựa chọn. Trong các nhà nước độc đoán và toàn trị, báo chí được kiểm duyệt chặt chẽ và do nhà nước nắm giữ chủ yếu (thuyết độc đoán) hoặc hoàn toàn (thuyết toàn trị Xô Viết), hình thành nên cơ cấu độc quyền về thông tin. Tự do, theo họ là một nền báo chí nằm dưới sự bảo hộ (kiểm soát) của nhà nước, không phụ thuộc vào thị trường, và không bị chi phối bởi các giao dịch thương mại. Anh và Mỹ, nơi hai trăm năm nay nền báo chí được xây dựng trên cơ sở học thuyết tự do, tức là tách rời hoàn toàn với sự quản lý của nhà nước, là hai quốc gia có chung niềm tin với Milton rằng: “Bằng cách rèn luyện tư duy con người có thể phân biệt đúng – sai, tốt – xấu”nên “cần có sự tiếp cận không giới hạn tới ý tưởng và suy nghĩ của người khác”. Nói cách khác, lúc này báo chí được coi là “thị trường mở cho các ý tưởng”, và công chúng sẽ tự kiểm duyệt thông tin qua “quá trình tự cân bằng” của mỗi cá nhân. Đây chính là mô hình báo chí được tác giả Hoàng Hường nhắc đến trong bài viết nói trên. Ba mô hình quản lý báo chí dựa trên ba học thuyết truyền thông trên đây đã đặt ra vấn đề về “sự nguy hiểm của … tự do không giới hạn và sự nguy hiểm của việc quy định giới hạn cho nó”. Các học thuyết đều nhất trí cần có một giới hạn của sự tự do, nhưng tự do đến đâu thì chưa có một mô hình nào thể hiện được sự ưu việt. Theo tôi, sở dĩ còn tồn tại vấn đề đó là bởi vì mỗi mô hình lại đứng từ lập trường của một chủ thể nhận lợi ích trực tiếp từ mô hình mình chọn. Với thuyết độc đoán và toàn trị Xô Viết, chủ thể là nhà nước và chủ thể này sẽ thiết lập cơ cấu độc quyền thông tin dẫn tới kiểm soát về chính trị. Với thuyết tự do, chủ thể là các nhà xuất bản, các doanh nghiệp báo chí hoạt động dựa trên hệ thống tư bản. “Vấn đề kinh tế của truyền thông đại chúng chưa bao giờ được các nhà thuyết tự do đối diện trực tiếp”. Học thuyết này kiên quyết độc lập với nhà nước nhưng đồng thời lại khiến truyền thông đại chúng rơi vào một nhóm quyền lực khác: một nhóm nhà tư bản có tiềm lực kinh tế. Đây cũng chính là vấn đề còn tồn tại của “thị trường tự do” . Trong cuốn Bốn học thuyết truyền thông , tác giả Theodore Peterson có đề cập tới một học thuyết thứ tư, mà theo tôi là khả quan nhất để áp dụng cho công tác quản lý báo chí hiện nay ở Việt Nam: Thuyết Trách nhiệm xã hội. Theo đó, việc quản lý báo chí và truyền thông đại chúng được song song giám sát bởi chiếc kiềng gồm bốn chân: Nhà nước, Toà án, Người làm báo và Công chúng. Một điểm mấu chốt trong mô hình này là ngoài hoạt động báo chí cung cấp thông thường còn có một hoạt động khác gọi là “phê bình báo chí”. Công tác này được thực hiện trên nhiều “mặt trận”: trên chính các ấn phẩm sách, báo, trên toà án với nhiều vụ kiện liên quan tới việc lạm dụng thương mại hoặc độc quyền kinh tế, trên hiệp hội báo chí dựa trên các quy tắc về đạo đức và trách nhiệm cộng đồng của người làm báo. Với mô hình này, nền báo chí sẽ được phát triển tự do tới mức tối đa, tuy nhiên vẫn nằm trong khuôn khổ phục vụ cho xã hội, tránh được sự tập trung quyền lực vào bất cứ nhóm lợi ích cụ thể nào. Sự khác biệt cơ bản của mô hình quản lý này với mô hình “đậy nắp bút kiểm duyệt” mà tác giả Hoàng Hường nhắc tới là tính chất của sự tự do. Sự tự do ở học thuyết tự do là một hành vi “cố gắng giải thoát” tới độ cực đoan, được một số nhà lý luận gọi là tự do tiêu cực. Còn sự tự do - được cho là tích cực - ở học thuyết trách nhiệm xã hội là trao công cụ cần thiết cho người dân để họ đạt được tự do. Một ví dụ trực quan mà Theodore đưa ra để minh hoạ cho sự so sánh này là: “Tự do tiêu cực … là một tự do sáo rỗng nó giống như bảo một người rằng anh ta có thể tự do đi bộ mà không chắc chắn trước đó là anh ta có bị tàn tật hay không. Thực tế là tự do phải hiệu quả. Chỉ nói với một người là anh ta có quyền tự do giành lấy mục tiêu của mình là không đủ mà cần phải cung cấp cho anh ta những công cụ cần thiết để đạt được mục tiêu đó”. Nền báo chí Việt Nam hiện cần những công cụ gì? Người dân Việt Nam đang cần những công cụ gì? Tôi cho rằng ngoài việc giải toả cơ chế độc quyền nhà nước trong công tác kiểm duyệt và kiểm soát thông tin, nâng cao chất lượng báo chí và đạo đức người làm báo, chúng ta còn cần nâng cao năng lực và kích thích nhu cầu lên tiếng phê bình báo chí ở phạm vi đại chúng, coi đó như một quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân. * Đăng trên Diễn Ngôn ngày 03.12.2013 Produced by My Bui and Nihan Demirkaziksoy for a presentation on Globalization, Immigration and Workforce in Prof. Angela McRobbie's Public Culture and Everyday Life sessions.
Đăng trên trang của Trung tâm tư vấn và hỗ trợ đào tạo CASA, ĐH KHXH & NV
Cách đây không lâu báo online Đất Việt đăng tải một bài viết có tên “5 tấm bằng đại học ít sử dụng nhất ở Việt Nam”, điểm tên 5 ngành được cho là hiện đang khó xin việc, bị thất sủng trong thị trường lao động hiện tại: Vật lý, Công nghệ môi trường, Công tác xã hội, Lịch sử và Tâm lý học. Các đặc điểm chung của các ngành này được đưa ra là: nhu cầu xã hội và thị trường lao động không chào đón dẫn tới điểm đầu vào và tỉ lệ chọi thấp. Theo quan điểm cá nhân của người viết, bài nhận định trên có mấy điểm cần làm rõ lại như sau: Thứ nhất, nói về CẦU. Có phải chúng ta đang không cần những chuyên gia thuộc 5 lĩnh vực trên hay không? Có thực sự chúng ta đang “thất sủng” những ngành này? Bối cảnh Việt Nam hiện tại ghi nhận những cuộc cải cách công nghệ xanh, sử dụng công nghệ hoá sinh để xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường. Bài viết trên Báo Đất Việt lý giải điều kiện kinh tế khó khăn dẫn tới việc hạn chế trong việc quan tâm tới các vấn đề ấy. Điều này có lẽ không sai nhưng trên thực tế là chưa đầy đủ. Dù Việt Nam đã được đưa vào nhóm các nước đang phát triển, nguồn tài trợ đầu tư của các quỹ quốc tế vào các ngành phát triển xanh, tăng trưởng bền vững vẫn còn không ít. Đó là còn chưa kể đến các tổ chức phi chính phủ, công ty tư vấn Việt Nam đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực môi trường như: NGO&CC, AFEO, … Tình hình cũng tương tự như vậy với ngành công tác xã hội. Nếu điểm qua danh sách tuyển dụng trên trang www.ngo-centre.org.vn, ta sẽ nhận thấy phần lớn các vị trí chuyên gia là thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, sau đó đến công tác xã hội, giáo dục, … Đó là còn chưa kể đến các cơ quan bảo trợ xã hội của nhà nước, các doanh nghiệp xã hội có quan tâm tới sự phát triển bền vững của cộng đồng, … Thế thì vì sao sinh viên của chúng ta thuộc những ngành kể trên sau khi ra trường vẫn thất nghiệp? Để lý giải điều này cần bàn tới yếu tố thứ hai, CUNG. Trong các lĩnh vực được đề cập, cung hiện đang đủ hay thừa? Nếu chỉ xét về số lượng, sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề trên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, vấn đề là sinh viên sau khi ra trường có đủ năng lực đáp ứng các vị trí trong những dự án tiềm năng này hay không? Sinh viên có ngoại ngữ, có kỹ năng mềm, có khả năng phát triển dự án, tính chuyên nghiệp để làm việc trong môi trường thực tế hay không? Chúng ta nên đưa ra sự lựa chọn nào cho sinh viên đây: Các em đừng học ngành này, khổ lắm, hay các em hãy học đi, và trau đồi thêm những kỹ năng bổ trợ, xác suất có việc làm và đóng góp cho xã hội sẽ nhiều hơn? Thứ ba, những dữ liệu sử dụng trong bài viết trên báo Đất Việt đều ở dạng phỏng đoán, con số không rõ ràng: khá nhiều, khá phổ biến, không ít, … và không có trích dẫn nguồn thống kê chính xác. Cách khai thác, đưa tin và đặt tít này có lẽ sẽ khiến một số lượng lớn sinh viên và cả các bậc phụ huynh hoang mang, từ bỏ những nguyện vọng, lựa chọn sẵn có. Nguy hiểm hơn, nó cổ suý cho một lối học tập, làm việc thụ động, phải nhìn thấy kết quả nhãn tiền thì mới bắt tay vào làm mà không có kế hoạch lâu dài, chiến lược. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ theo học các ngành này đã chủ động lao động, thực hiện các dự án của riêng mình mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào một cơ quan, đoàn thể nào. Bằng chứng là có một nhóm sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau thuộc các ngành công tác xã hội, tâm lý đã tự viết ra dự án và được Isee tài trợ thực hiện thành công trong tháng 10/2013. Hoàng Ngân, một người trẻ sinh năm 1989 sau khi nỗ lực học tập ở Pháp về Tâm lý học về đã mở lớp dạy thêm về Phân tâm học cho một nhóm nhà báo. Mở ngoặc thêm là, đối với ngành báo chí, những kiến thức hiểu biết về tâm lý là tối quan trọng, không chỉ để khai thác nhân vật phỏng vấn mà còn để nắm bắt tâm lý công chúng. Một lần nữa, nhìn lại cái cách mà tâm lý đám đông đã chi phối cách định hướng nghề nghiệp của sinh viên thi vào ngành Tài chính – Ngân hàng trong những năm trước, gây ra sự thừa cung thiếu cầu như hiện nay, ta lại càng thấy cần những bài báo định hướng nghề nghiệp “có lương tâm” hơn, chứ không phải là những lời “phỏng đoán”. Trong một cuộc nói chuyện gần đây với sinh viên, giám đốc PR của công ty Le Bros đã đưa ra một lời khuyên chọn ngành nghề theo đuổi, đại ý là hãy nghĩ xem 10 năm nữa bạn là ai, xã hội khi ấy có cần đến những gì bạn có hay không. Việc tỉnh táo chọn nghề, bởi thế thể hiện rất rõ ràng khả năng tiếp cận, chọn lọc và phân tích thông tin, xu hướng của cá nhân. Tựu chung lại, thay vì đưa ra những phân tích phủ đầu học sinh, sinh viên và cả phụ huynh, gây ra những hoang mang trong lựa chọn ngành nghề như bài báo trên tờ Đất Việt, nên chăng chúng ta tập trung vào việc tư vấn cho các em cùng phụ huynh những hướng đi bền vững, những con đường chủ động để cả các cá nhân và xã hội cùng được phát triển tốt đẹp hơn?! http://soi.com.vn/?p=109230 Thực ra thì không phải chỉ dùng có mỗi đánh chữ, cặp sinh đôi gốc Rumani hiện đang sống ở Cologne, Đức này còn vẽ tranh, nặn tượng bằng đủ thứ chất liệu khác cộng lại: khắc gỗ, cắt dán, màu nước, chì, … Theo đúng chữ dùng trong catalogue của hai bạn ấy, chất liệu dùng chủ yếu là: multi mix. Về nội dung tranh, 90% tên tranh là Untitle – Vô đề. Thế đâm ra tiện, các bạn ý chẳng có giấy tờ gì chú thích ngoài tấm bảng giới thiệu chung bé tí về tiểu sử tác giả và chất liệu sử dụng. Còn đâu, tranh tượng cứ treo xếp khắp phòng, không đi kèm bất cứ chữ nghĩa nào hết. Trong bộ các tác phẩm đang được triển lãm ở White Chapel Gallery (Anh), một nửa Tobias dựng lên các hoạt cảnh “sặc mùi bạo lực”[1] với đầu ngắt khỏi thân, chân ngắt khỏi …, nửa còn lại là các sinh vật kỳ lạ tôi đoán được hai anh em nhà này bịa ra. Đặc điểm chung của tranh và tượng Tobias làm là trông rất gian, nhưng màu sắc lại đáng yêu tươi sáng. Nếu buộc phải dung một từ để miêu tả cảm giác của mình với tranh Tobias, tôi chọn từ “xinh”. Chúng làm sống dậy cả một tuổi thơ “dữ dội”, cái ngày mà những đứa trẻ con tiểu học suốt ngày nhỏ mực Thiên Long vào trang vở ô ly trắng tinh rồi gập đôi ở giữa cho mực loang tưa ra thành những hình thù quái gở, kỳ dị nhưng đáng yêu vô cùng. Một lý do nữa khiến tôi nghĩ nhiều đến trường tiểu học khi xem tranh Tobias là hai anh em nhà này có vẻ chuộng lưới ô vuông màu xanh bảng viết phấn và màu vàng đề can giấy thủ công. Ngoài ra hai bạn ấy còn thích xé dán rồi tô màu và vẽ thêm xung quanh nữa.
Nhân vật trong tranh của Tobias mang nhiều màu sắc totem, nhưng là totem què cụt, kiểu như vẽ phượng hoàng thì nó phải cụt đuôi cho chạy đi nẻo khác, hoặc là con ruồi thì nhất định đầu không được dính liền thân. Đặc biệt, xem triển lãm này không thể nào không nhớ đến phim Spirited Away [2]. Nhìn chung xem tranh của hai anh em Gert và Uwe Tobias rất xinh mắt dù bức nào cũng có hình hài vẹo vọ cụt đầu chặt chi. Có lẽ vì cách tạo hình đáng yêu và màu sắc tươi sáng. Hơn nữa, xem có cảm giác tranh động chữ không tĩnh, thi thoảng bướm bay lên bên dưới còn có một vạt khí màu hồng trên nền trời xanh bột. Nếu cứ theo như ba pha cảm thụ nghệ thuật của Laura Mark[3] đi từ cảm xúc, tri giác tới ý niệm thì tôi chịu không biết tác giả có ý niệm gì không và nếu có thì là gì? [1] Trong catalogue, yếu tố violence – bạo lực được nhắc đến như một trong những đặc trưng của hai anh em Gert và Uwe Tobias. [2] http://soi.com.vn/?p=107893 [3] http://soi.com.vn/?p=105231 Note: Trong nỗ lực tìm ảnh về Royal City, tôi nhận ra Vingroup dường như đã chi tiền cho Google để hạn chế các thông tin ít tích cực về dự án này. Tuy nhiên, với facebook và các mạng xã hội khác, tôi hi vọng sẽ nhìn thấy sự “dân chủ” hơn đối với bình dân và người tiêu dùng. Mới khai trương không được bao lâu, khu liên hợp trung tâm thương mại – nhà ở mới nhất của tập đoàn VinGroup đã thu hút vô số lượt khách tới tham quan. Với những chiến dịch tiền khai trương rầm rộ, với đèn neon chăng khắp phố, và chủ yếu là bởi kích cỡ khổng lồ đặt gần như sát cạnh dòng sông Tô Lịch, có thể nói cuộc khai trương này là một sự khởi đầu thu hút được công dân thủ đô. Độ bền vững của lượng khách tới Megamall này, dù nhiều người dự đoán sẽ bớt hẳn đi khi người dân đã thoả xong trí tò mò và mãn xong phần chụp ảnh check in, là điều tôi sẽ không bàn tới trong bài viết này. Tuy nhiên, xin được nói đến một khía cạnh khác của vấn đề bền vững, đó là khía cạnh chất lượng đời sống dân sinh. Dù tiếp cận Royal City Megamall từ hướng nào, đường Láng rẽ phải, Trường Chinh rẽ trái hay từ trục đường thẳng Tây Sơn – Nguyễn Trãi, người ta đều có thể nhìn thấy sự đối lập tương phản nặng nề giữa khu nhà mới xây và những mái nhà lụp xụp, những khu chợ tạm ướt mồ hôi bên dưới, những nếp nhà mái tôn xếp dọc bên sông, … Nguyên khu đất xây dựng Royal City trước đây là nhà máy công cụ số 1. Sau tái quy hoạch, thành phố được mở rộng, khu vực Ngã Tư Sở trở vào Thanh Xuân vốn trước đây được coi là vùng giáp ranh đã trở thành một khu vực quan trọng của thủ đô. Nhà máy dần dần được rời đi, dù vẫn còn ba cái tên lẫy lừng Cao – Xà – Lá là còn ở lại. Khu công nghiệp được chuyển đổi thành khu dân cư và trường đại học. Thay vì xây một không gian xanh để bù đắp cho người dân những lượng khí thải mà bao năm họ phải hít vào buồng phổi, thành phố quyết định phê duyệt một dự án nhà ở – thương mại cao cấp tên Tây “Royal City” – “Thành phố Hoàng Gia”. Thành phố Hoàng Gia có hai phần, một là nhà ở, hai là trung tâm thương mại – giải trí. Xét về nhu cầu nhà ở, một sự thật đang tồn tại hiển hiện ở Hà Nội hiện nay là thị trường bất động sản đang tiếp tục đóng băng cung nhiều hơn cầu và nhà đất mang tính đầu cơ người mua không ở, người cần ở chẳng đủ tiền mua. Khi ngay gần đó Keangnam vẫn còn có tương đối nhiều căn hộ chẳng bao giờ sáng đèn, chúng ta có quyền nghi ngờ những sản phẩm nhà ở này xây lên có thực sự cần thiết hay không? Xét về nhu cầu mua sắm, Royal city không xa là Pico Mall cũng mới mọc lên cách đây vài năm phục vụ nhu cầu của một số lượng người dân có mức thu nhập trung bình khá vào tiêu thụ các mặt hàng có nguồn gốc Âu, Mỹ, Á, tóm lại là các nước phát triển đang dồn mũi nhọn tiêu dùng sang các quốc gia kém phát triển hơn. Trung tâm thương mại của Vincom tất nhiên to lớn và sang trọng hơn, nhưng rồi có phải sẽ lại kéo người dân nước ta vào cái vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa tiêu dùng mà phương Tây đã / đang / sẽ kịch liệt chỉ trích? Xét về nhu cầu giải trí, điều này tất nhiên tối quan trọng. Một thành phố có chỉ số ‘hạnh phúc’ lớn như Hà Nội làm sao có thể thiếu yếu tố này trong đời sống. Ngoài rạp chiếu phim giống như Pico Mall, Megamall còn có công viên nước, có các khu ẩm thực từ nhiều vùng miền. Tất nhiên, Megamall không quên có KFC, Burger King, có trà sữa trân châu Trung Quốc, mà có thể không xa nữa lại có thêm thức ăn nhanh thương hiệu McDonald’s – “ước mơ cả đời” của Henry Nguyễn, chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG, cũng là con rể Thủ tướng… Tuy nhiên, khi giải trí đại chúng được coi nặng là lúc văn hoá bị bỏ quên. Hầu hết các dịch vụ giải trí ở đây đều mang tính tức thời, và hợp với thị hiếu trung bình thấp (trò chơi điện tử, tô tượng, công viên nước, …). Hiếm thấy hiệu sách, và chẳng thấy quãng nghỉ nào đặt lấy được một hai điêu khắc nghệ thuật cho xứng tầm với cái tên “royal” – hoàng gia. Một nguyên tắc trong cuộc sống mà có lẽ ít ai phản đối là nếu không thể làm cho nó tốt hơn lên, thì ít nhất cố gắng đừng làm nó xấu thêm đi nữa. Nhiều người sẽ thích vẻ tráng lệ Royal City trong tổng thể khu dân cư bên sông Tô Lịch và chợ Ngã Tư Sở, một vẻ tráng lệ chủ yếu do bật nhiều nhiều đèn – tiêu tốn nhiều nhiều năng lượng trong khi những vùng được vẽ ranh giới là thuộc thủ đô còn chưa được thắp sáng. Còn tôi, tôi nhìn thấy ở đó sự đảo lộn nhịp sinh hoạt của người dân xung quanh, thậm chí là của cả tuyến đường Nguyễn Trãi, của sinh viên và cán bộ công nhân viên trường ĐH KHXH&NV, ĐH Hà Nội, … Tôi nhìn thấy một không gian đô thị bị băm xẻ nát nhừ thiểu năng tính cách. Một khu đô thị cao tầng được xây dựng trong khi cơ sở hạ tầng thậm chí còn chưa tải nổi lượng dân cư cũ. Một tuyến đường vành đai vốn vẫn hay ùn ứ mỗi khi đến giờ cao điểm nay lại phải tải thêm hàng trăm nghìn lượt khách tới tham quan Thành phố Hoàng Gia mỗi ngày. Và Thành phố Hoàng Gia thì thậm chí thiết kế còn chưa ổn thoả, ô tô xe máy người đi bộ cùng ngay dồn ứ lại từ hầm để xe cho tới tận khi lên tới đường nội bộ ra ngoài phố. Đó là ở thời điểm hiện tại (08/2013), khi các cư dân mới nơi đây vẫn chưa chuyển về sinh sống, bởi họ vẫn còn đang kiện tụng tranh cãi với chủ đầu tư về những sai phạm hợp đồng ở www.cudanroyalcity.com. Tôi đang tưởng tượng, một vài năm nữa, khi con đường này quá tải, khi thành phố này quá tải, khi bầu không khí này vốn đã thiếu oxygen nay lại càng ngột ngạt thêm …
|